8 giờ 5 phút, những vị khách đầu tiên xông đất tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2021 là ông Lê Ngọc Thiện và ông Nguyễn Dương Hồng Phát, đi trên chuyến bay mang số hiệu VN1370 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thừa Thiên - Huế, hạ cánh xuống Sân bay Phú Bài (thị xã Hương Thủy).
Ngay khi xuống Sân bay Phú Bài, hai vị khách đầu tiên được Ban Tổ chức tặng bó hoa tươi thắm cùng quà đặc sản của Huế, một vé chuyến bay khứ hồi hạng thương gia của Vietnam Airlines, bộ voucher gói dịch vụ của khách sạn Vinpearl Huế và ấn phẩm du lịch Huế.
Ông Lê Ngọc Thiện cho biết, đây là dịp ông trở về quê hương đón Tết Dương lịch 2021. Ông Thiện cũng bày tỏ sự cảm động trước sự đón tiếp trang trọng này, đồng thời gửi lời chúc mừng năm mới đến người dân Thừa Thiên - Huế, mong muốn ngành du lịch nói riêng và chính quyền địa phương sớm khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, từng bước phục hồi kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Ngoài ra, 191 hành khách khác cùng Cơ trưởng và Tiếp viên trưởng chuyến bay cũng được Sở Du lịch Thừa Thiên- Huế và các đơn vị trao tặng quà lưu niệm. Đoàn khách trên chuyến bay VN1370 cùng nhau thưởng thức chương trình nghệ thuật biểu diễn múa Lân mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam và nhận những lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện, lễ hội gắn với du lịch của tỉnh trong năm 2021 như: Ngày hội du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival Nghề truyền thống Huế 2021 và một số lễ hội khác như: lễ hội Lân, lễ hội Sen, Ngày hội Hiphop, Liên hoan ẩm thực, Ngày hội Áo dài Huế trải đều vào các thời điểm trong năm.
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với bối cảnh hiện nay, duy trì các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn trong các hoạt động du lịch; quảng bá, giới thiệu về điểm đến địa phương theo các chủ đề: Huế - điểm đến an toàn và thân thiện, Huế - Thành phố lễ hội, Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam, Huế - điểm hẹn của bối cảnh phim trường Việt Nam đến với du khách và cộng đồng trong, ngoài nước; đồng thời liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai các hoạt động phối hợp kích cầu du lịch nhằm cùng nhau phục hồi và phát triển du lịch của khu vực.
Vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đã chính thức đưa vào hoạt động trụ sở tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm mới 2021.
* Ngày 1/1, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức Khai trương không gian Ngọ Môn và tái hiện Lễ Ban sóc thời Nguyễn. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch ý nghĩa mở đầu trong năm mới 2021, với hy vọng ngành du lịch của địa phương sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm nay.
Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía Nam của Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Ngọ Môn ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung, đây còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình như là nơi vua ngự xem duyệt binh, dự các lễ Truyền lô (xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sỹ), lễ Ban sóc (ban bố lịch vào năm mới cho cả nước)… Đặc biệt vào năm 1945, tại đây vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao ấn, kiếm lại cho cách mạng và chính thức nền phong kiến Việt Nam cáo chung.
Trải qua thời gian, Ngọ Môn đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Từ năm 2012 đến nay, Dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn 2012-2015 và 2016 - đến nay. Giai đoạn 2 của dự án được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng, thực hiện các hạng mục gồm: Sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng, hoàn chỉnh hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn, bố trí cây xanh, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy...
Dịp này đúng sau 180 năm, tại khu vực Ngọ Môn, người dân và du khách đã có dịp chứng kiến lễ tái hiện Ban sóc, hay còn gọi là lễ phát lịch của triều Nguyễn, thông qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Theo các nhà nghiên cứu, người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Lễ Ban sóc được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều vua Minh Mạng. Hàng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức Lễ Ban sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Lễ Ban sóc trước đây vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên, Lễ Ban sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân.