Ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống dịch
Nhà nước cần ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bố trí ngân sách địa phương và kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tập trung chỉ đạo công tác y tế dự phòng, nhất là khi có hạn hán thiên tai, tiêm chủng mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường khả năng tiếp cận và vận động nhân dân đi khám, chữa bệnh, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã được Thủ tướng Chính phủ giao….
Cán bộ y tế Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện tỉnh Đắk Nông, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh:Hưng Thịnh - TTXVN |
Bà H'Ngăm K'Đăm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên: Khuyến khích đầu tư trang, thiết bị y tế
UBND các tỉnh trong vùng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo Chỉ thị 06 của Ban Bí thư. Tiến hành rà soát để đề xuất đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống bệnh viện tuyến huyện, nhất là ở các huyện mới chia tách, chưa có bệnh viện.
Tập trung, ưu tiên nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư, trước mắt ưu tiên các trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG)... Có chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư trang, thiết bị, kỹ thuật và nhân lực cho các bệnh viện tuyến huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị y tế trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, thực hiện giá dịch vụ y tế, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế triển khai thực hiện luân phiên cán bộ về tuyến dưới. Xây dựng các chính sách khuyến khích và thu hút cán bộ về công tác ở vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và các chuyên khoa khó tuyển người...
Ông Nguyễn Thành Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: Quyết liệt trong đầu tư y tế cơ sở
Khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tình trạng tăng dân số cơ học, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống cách biệt tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, trong quá trình đô thị hóa, thay đổi môi trường sinh thái… Những yếu tố trên tác động không nhỏ đến hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực Tây Nguyên. Một số chỉ tiêu về sức khỏe vẫn ở mức cao so với toàn quốc như tỷ suất tử vong trẻ em ở Tây Nguyên là 24,3/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng đang ở mức cao trên 30%.
Việc đầu tư cho y tế cơ sở khu vực Tây Nguyên cần phải thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình, dự án. Đây là một trong những ưu tiên không chỉ của Bộ Y tế, của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mà còn của chính quyền, các cấp khu vực Tây Nguyên. Tập trung đầu tư y tế cho tuyến huyện, tuyến xã, lựa chọn các ưu tiên đầu tư cho phù hợp với từng tuyến.
Để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bộ Y tế đã và đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai chính sách cử tuyển và hợp đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ, tăng cường quản lý cán bộ sau đào tạo, phối hợp với việc thực hiện chính sách thu hút cán bộ phù hợp để bảo đảm tính hiệu quả và ổn định nguồn nhân lực y tế ở cơ sở. Đồng thời, mở rộng hình thức đào tạo này để đào tạo các chuyên khoa định hướng, chuyên khoa kỹ thuật cao cho các địa phương. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị máy móc thiết yếu cho các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế dự phòng, phấn đấu các Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh ở vùng Tây Nguyên đạt chuẩn Quốc gia…
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Sử dụng có hiệu quả trang thiết bị được tài trợ
Thời gian qua, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu; hệ thống y tế cũng ngày càng phát triển; công tác y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đều được thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, ngành y tế Đắk Nông nói chung và Bệnh viện đa khoa tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc thiếu hụt các trang thiết bị y tế hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Sự hỗ trợ, quan tâm của Petrolimex và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong việc tài trợ các thiết bị y tế cho Đắk Nông gồm máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy xét nghiệm miễn dịch tự động, máy khử khuẩn di động và một số trang thiết bị y tế khác, với tổng trị giá 6,5 tỷ đồng có ý nghĩa rất thiết thực, cần thiết. Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông cần khai thác, sử dụng, bảo dưỡng hiệu quả các thiết bị y tế này.
Y sĩ Ksor Danh, Trạm y tế xã Ia Krái, huyện Ia Grai (Gia Lai): Nâng cao vai trò, vị trí của các trạm y tế
Để người dân tin tưởng vào khám chữa bệnh tại trạm y tế, chúng tôi đã duy trì công tác khám chữa bệnh, các chương trình y tế Quốc gia, tiêm chủng mở rộng đều thực hiện đầy đủ cho nhân dân. Hàng năm, chúng tôi dùng kinh phí từ cấp trên đầu tư xuống gần 10 triệu để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị nhằm phục vụ thật tốt cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Với chức năng là tuyến cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không thể phủ nhận được vai trò, vị trí của các trạm y tế phường, xã trong giai đoạn hiện nay.
Trạm y tế xã Ia Krái cách thành phố Plâycu gần 50 km, nơi đây tập trung khám chữa bệnh cho hơn 8.600 đồng bào. Mỗi ngày trạm có gần 40 lượt bệnh nhân đến khám nên các nhân viên gồm bác sĩ, y sĩ đa khoa... thay phiên nhau trực tại trạm 24/24 giờ, đảm bảo sẵn sàng phục vụ khi có người bệnh. Hiện cơ sở vật chất của Trạm Ia Krái đã được đầu tư mới khang trang, sạch sẽ với đầy đủ các phòng chức năng, thiết bị y tế hiện đại như: Máy siêu âm, máy xét nghiệm, máy điện tim... Các y, bác sĩ làm việc tận tình khiến bệnh nhân yên tâm, thoải mái khi đến khám, chữa bệnh. Trong quá trình phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế, thuận lợi lớn nhất của xã Ia Krái là sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo huyện cùng chính quyền địa phương; sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Trung tâm Y tế huyện trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. Trong những năm gần đây người dân đến khám và điều trị bệnh ngày càng tăng. Năm 2014, Trạm đã khám và điều trị gần 4.500 lượt người. Trạm luôn bảo đảm tất cả người dân được đến khám chữa bệnh với điều kiện tốt nhất.