Cấp kinh phí để ổn định đời sống dân di cư

Báo Tin tức Cuối tuần số 44 đăng Chuyên đề “Tây Nguyên ổn định đời sống dân di cư”, phản ánh những thuận lợi và khó khăn trong đời sống của bộ phận đồng bào di cư tự do. Để hiểu rõ hơn những giải pháp lâu dài, ông Điểu Mưu (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) đã trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này.



Xin ông đánh giá về kết quả công tác bố trí ổn định dân di cư tự do ở Tây Nguyên thời gian qua?

Những năm gần đây tình hình dân di cư tự do (DCTD) từ một số tỉnh miền núi Tây Bắc vào Tây Nguyên đã giảm về số lượng và quy mô. Một bộ phận dân DCTD đến trước đó, hiện nay cơ bản đã ổn định cuộc sống (trừ một số ít tự mua đất ở, đất sản xuất). Thông qua việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các địa phương đã chủ động xây dựng các dự án, chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động, thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS yên tâm sản xuất, ổn định đời sống tại chỗ (như ở vùng Tây Bắc), góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng; đồng thời, lồng ghép thực hiện chính sách bố trí, ổn định dân DCTD để đồng bào ổn định đời sống.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành đến nay; công tác ổn định dân DCTD trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt được kết quả quan trọng. Từ năm 2005 đến 2015, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện hơn 57 dự án ổn định DCTD. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện đã bố trí cho hơn 15.400 hộ (đạt hơn 53% so với kế hoạch). Đã rà soát số DCTD, từ năm 2005 đến quý II/2016 toàn vùng còn 20.711 hộ (78.383 khẩu). Các tỉnh tổ chức đăng ký, nhập hộ khẩu cho 35.664 hộ. Rà soát, phân loại số DCTD khó khăn về đời sống, sống phân tán trong rừng, chưa có đất sản xuất, đi làm thuê để có kế hoạch đưa vào dự án khoảng 1.064 hộ. Tuy nhiên, sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án, đến nay còn hơn 35 dự án đang thực hiện dở dang, với 16.265 hộ dân.

Để thực hiện hiệu quả công tác bố trí, ổn định dân DCTD ở Tây Nguyên thời gian tới, theo ông cần có giải pháp gì?

Trong thời gian tới, công tác bố trí, ổn định dân DCTD là vấn đề cấp thiết trong chiến lược ổn định dân cư và phát triển bền vững của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; gắn với thực hiện Chương trình bố trí dân cư từ nay đến năm 2020 của Chính phủ. Để các địa phương thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu các dự án đã được phê duyệt nhưng đang dở dang do thiếu kinh phí, cần tập trung ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm ổn định dân DCTD như các địa phương đã từng báo cáo và kiến nghị với các bộ, ngành như: Bộ NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính....

Các tỉnh rà soát các dự án đã quy hoạch và được phê duyệt, đang thực hiện dở dang do không có kinh phí để lựa chọn ưu tiên báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ đầu tư theo kế hoạch năm 2016 hoặc kế hoạch năm 2017. Đề nghị có sự phối hợp của các bộ, ngành với các địa phương bám sát các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các đợt Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành làm việc với các tỉnh Tây Nguyên mới đây.

Đối với số hộ đang sống trong vùng xung yếu, trọng điểm của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, địa phương, có biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật; kiên quyết đưa dân ra khỏi rừng, để bố trí dân cư vào dự án theo quy hoạch. Tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và thực hiện các chính sách an sinh xã hội (đối với những hộ chưa thể nhập hộ khẩu ngay thì vận dụng cấp thẻ “KT3”), tạo điều kiện cho con em được đi học, khám chữa bệnh... Tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ theo mục tiêu đề ra và gắn với triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững vùng Tây Nguyên...

Tập trung chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện đạt tiến độ và mục tiêu đề ra các dự án quy hoạch bố trí, ổn định dân cư... theo các chủ trương và quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Ưu tiên bố trí ổn định dân cư theo hình thức xen ghép, nhằm giảm chi phí; khó khăn về quỹ đất...; tăng cường và nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về các lĩnh vực; nhất là quản lý đất đai, tài nguyên ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định, gắn biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về xâm hại đất, rừng... Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS và dân DCTD ở các địa phương.

Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, các tỉnh vùng Tây Nguyên và Tây Bắc có kiến nghị gì, thưa ông?

Qua nắm tình hình và thực trạng việc thực hiện dự án bố trí ổn định dân DCTD tại các địa phương, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí để thực hiện các dự án. Theo đó, các tỉnh tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Tài chính... báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí đủ nguồn kinh phí theo các dự án đã phê duyệt, các dự án cấp bách, trọng điểm, biên giới, ổn định DCTD đã phê duyệt, hiện nay đang thực hiện dở dang do không đủ kinh phí để thực hiện, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên còn hơn 35 dự án, hiện nay đang thực hiện dự án bố trí, ổn định dân cư huyện biên giới.

Các tỉnh còn kiến nghị các bộ, ngành phối hợp với địa phương về triển khai Kết luận 30 của Bộ Chính trị và các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo quỹ đất thực hiện các các dự án bố trí ổn định dân cư và thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ còn thiếu hoặc chưa có đất; thực hiện Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào DTTS ở khu vực biên giới; bảo vệ phát triển rừng vành đai đến năm 2020” (của Bộ Quốc phòng).

Các tỉnh có dân đi cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các tỉnh có dân đến để thống nhất kế hoạch phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào DCTD. Tăng cường công tác quản lý dân cư, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS ổn định đời sống tại chỗ, giảm thiểu di cư đến nơi khác.

Các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường việc chỉ đạo các ngành và địa phương nắm chắc dân cư và làm tốt công tác quản lý hành chính, đăng ký hộ khẩu, sổ hộ nghèo… cho người dân (cả số dân chưa ổn định) tại địa phương mình. Quan tâm chăm lo thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trong vùng DTTS và DCTD; lưu ý quan tâm đến đồng bào Mông, Khơme, Jarai, M’nông sinh sống giáp biên giới với Campuchia...



Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Viết Tôn
Tây Nguyên ổn định đời sống dân di cư
Tây Nguyên ổn định đời sống dân di cư

Cùng với chương trình di dân theo kế hoạch, do đời sống kinh tế khó khăn, một bộ phận đồng bào di cư đến nơi ở mới vùng Tây Nguyên bước đầu đã có điều kiện sống tốt hơn, từng bước phát triển sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN