Tây Nguyên ổn định đời sống dân di cư

Cùng với chương trình di dân theo kế hoạch, do đời sống kinh tế khó khăn, một bộ phận đồng bào di cư đến nơi ở mới vùng Tây Nguyên bước đầu đã có điều kiện sống tốt hơn, từng bước phát triển sản xuất.

Lập nghiệp ở vùng đất mới

Thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động cả nước gắn với chính sách khai hoang phát triển kinh tế mới, Tây Nguyên là địa bàn nhận dân nhiều nhất cả nước như huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng nhận dân kinh tế mới Hà Nội; xã IaTờMốt, huyện Ea súp nhận dân Bến Tre… Nếu năm 1976 dân số Tây Nguyên mới chỉ có hơn một triệu người, với 18 dân tộc anh em, đến nay số dân đã lên đến trên 5 triệu người có mặt của hầu hết các dân tộc anh em của cả nước.

Làng của đồng bào Mông ở xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 40 km. Từ năm 2000, bà con đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Đắk Nông định canh, định cư đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả. Việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc trưng góp phần làm cho làng của đồng bào Mông ở Đắk Som tạo điểm nhấn độc đáo trong nền văn hóa đa dạng của hơn 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông.

Chị Giàng Thị Nhung, một phụ nữ Mông ngụ tại thôn 1, xã Đắk Som cho biết, quê chị ở tỉnh Cao Bằng, gia đình chị vào Đắk Nông từ năm 2000. Sau nhiều năm gắn bó với miền đất mới và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định với hơn một ha cà phê. Chị Nhung cho biết, hầu như tuần nào chị cũng đi chợ phiên, một phần vì muốn mua bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, phần vì chị thích không khí ở chợ, nhất là những ngày lễ, ngày Tết.

Vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bên cạnh các chương trình di dân theo kế hoạch, do nhu cầu về cuộc sống nên đã có nhiều hộ dân di cư tự do (DCTD) vào khu vực này. Từ sau năm 1976 đến nay, đã có gần 200.000 hộ (với gần một triệu nhân khẩu) DCTD đến Tây Nguyên từ nhiều tỉnh, thành của cả nước. Người dân di cư đã làm cho dân số, cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên biến đổi nhanh chóng, gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho các địa phương có dân DCTD đến. Trong các địa phương có người dân DCTD đến khu vực Tây Nguyên thì khu vực các tỉnh Tây Bắc (với chủ yếu là người dân tộc Mông có nhiều khó khăn do thiếu đất sinh sống, tỷ lệ đói nghèo cao) để lại rất nhiều hệ lụy cần phải giải quyết.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Theo bà HNgăm Niê KDăm, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên nhân là do một bộ phận dân di cư sinh sống ở vùng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn. Địa hình chia cắt, độ dốc lớn, núi đá, đất đai để ở và sản xuất không thuận lợi; thiếu nước; kết cấu hạ tầng còn thấp kém; thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Kinh tế - xã hội phát triển chậm, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, có ảnh hưởng một phần đến sự phát triển của vùng. Trong đó, thiếu đất, nước sản xuất là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân phải tìm nơi mới để sản xuất. Những năm gần đây do hạn hán kéo dài đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống nhân dân. Nông dân không xuống giống trồng lúa, hoa màu đúng theo lịch thời vụ, không chủ động được trong sản xuất do thiếu nước. Một số công ty, xí nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Một số lao động thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, không có đất sản xuất, không có việc làm thích hợp tại địa phương. Một số ít hộ gia đình, người dân khá giả vẫn làm ăn xa do mong muốn kiếm thu nhập cao hơn, không hài lòng với mức thu nhập thấp tại địa phương.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng số hộ dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên qua các giai đoạn là 189.846 hộ, trong đó số hộ tự ổn định hoặc được bố trí theo quy hoạch, kế hoạch được giao đất ở, đất sản xuất và được nhập khẩu là 166.280 hộ; số hộ chưa bố trí ổn định cần sắp xếp vào vùng quy hoạch là 23.566 hộ (bao gồm cả số đến trước năm 2005 đến nay). Các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, phê duyệt 37 dự án, tổng vốn duyệt 1.930 tỷ đồng để bố trí ổn định 13.968 hộ; trong đó 21 dự án đang thực hiện với tổng vốn duyệt 1.151 tỷ đồng; 14 dự án đã phê duyệt, bố trí với tổng vốn duyệt: 638 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí vốn; 2 dự án chưa phê duyệt với vốn dự kiến là 141 tỷ đồng. Song một vấn đề khó khăn hiện nay đối với các tỉnh Tây Nguyên là còn hơn 9.500 hộ dân DCTD còn lại (trong tổng số 23.566 hộ) đang sinh sống phân tán, chưa có dự án để sắp xếp ổn định số dân này, bao gồm khoảng 7.598 hộ chưa có đất hoặc chưa được làm thủ tục cấp đất ở, đất sản xuất.

Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng, diễn biến của di cư hiện nay vẫn còn phức tạp và khó kiểm soát, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc. Dân DCTD ở các tỉnh Tây Nguyên gồm nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Mông, Dao, Cao Lan, Tày, Nùng, Thái, Mường… Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, người Mông chiếm đa số từ 50 - 70%, địa bàn Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng chủ yếu là người Kinh chiếm hơn 70%. Đồng bào dân DCTD đến các tỉnh Tây Nguyên gồm nhiều tôn giáo khác nhau: Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo… Nhìn chung, sinh hoạt của các tôn giáo diễn ra công khai bình thường. Tuy nhiên có một số nơi lợi dụng hoạt động tôn giáo trái pháp luật nhằm dụ dỗ, lôi kéo người dân DCTD dẫn đến tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Nhìn chung, đa số người dân DCTD từ Tây Bắc vào khu vực Tây Nguyên chưa được bố trí ổn định cuộc sống (trừ số ít hộ dân mua được đất ở, đất sản xuất và được cấp hộ tịch, hộ khẩu nên đời sống tương đối ổn định) ở trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, một số hộ dân phải đi làm thuê, đời sống thiếu ổn định, tỷ lệ đói nghèo cao. Những điều kiện phục vụ cho cuộc sống như cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, văn hóa… rất hạn chế, tình trạng chiếm rừng, phá rừng, mua bán đất trái phép và tranh chấp đất đai diễn ra phổ biến. Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, an ninh trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn.

Trong công tác quản lý, việc tuyên truyền, vận động nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công tác định canh định cư chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn. Do đó nhân dân chưa biết được những khó khăn của nơi đến như: Quy định về quản lý đất đai, pháp luật về bảo vệ rừng và những điều kiện khác cho cuộc sống của người dân. Công tác quản lý dân cư (kể cả nơi đi và nơi đến) còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều nơi không nắm chắc được số lượng dân đi và đến. Công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng, mua bán đất trái pháp luật nên đã để người dân từ nơi khác DCTD đến chiếm đất, phá rừng làm nương rẫy.

Theo bà HNgăm Niê KDăm, việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào còn nhiều hạn chế nên nhiều vùng sản xuất chậm phát triển, hạ tầng cơ sở yếu kém, công tác văn hóa, giáo dục chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn. Các cơ chế chính sách được ban hành gồm nhiều chương trình chồng chéo thiếu hiệu quả, một số chương trình rất quan trọng nhằm ổn định dân cư thì kinh phí bố trí rất thấp so với nhu cầu thực tế, như: Các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai 123 dự án bố trí dân cư đến năm 2014 bố trí vốn mới được gần 32%, như Quyết định 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về “Quy hoạch bố trí dân cư biên giới Việt - Trung giai đoạn 2012-2017” kinh phí đầu tư mới bố trí được 6,9% (chủ yếu là vốn lồng ghép), vì vậy so với mục tiêu đề ra về số hộ được bố trí ổn định mới đạt 10%, các công trình hạ tầng 5%, các dự án sản xuất dưới 10%. Các dự án bố trí ổn định dân DCTD ở nơi đến cũng chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu (hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông có 35 dự án, được duyệt với tổng số 1.461 tỷ đồng, đến nay mới bố trí được khoảng 27% vốn). Trong khi đó riêng ở các tỉnh Tây Nguyên còn tới 23.566 hộ chưa được bố trí ổn định, cần lượng kinh phí rất lớn để thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn được đầu tư nguồn lực rất hạn chế trong khi nguồn lực từ nhân dân khó huy động vì ở khu vực này có tỷ lệ đói nghèo cao nên kinh tế xã hội hầu như chưa có chuyển biến biến đáng kể, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Những giải pháp lâu dài

Nhằm ổn định dân DCTD đến Tây Nguyên, bà HNgăm Niê KDăm cho rằng: Đối với số hộ đã được quy hoạch vào dự án đã được lập nhưng chưa có kinh phí thực hiện, đề nghị các tỉnh rà soát, điều chỉnh lại dự án cho phù hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ đầu tư. Đối với số hộ đang sống trong vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, cần có có biện pháp xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và kiên quyết đưa ra khỏi rừng và bố trí vào các vùng quy hoạch sắp xếp dân cư. Đối với các hộ sống trong các khu vực bìa rừng, rừng phòng hộ ít xung yếu, rừng phòng hộ nghèo kiệt thì cần rà soát đánh giá để lập kế hoạch báo cáo Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để quy hoạch, bố trí ổn định cho nhân dân.

Đối với các hộ chưa có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống cần rà soát cụ thể để bố trí vào dự án sắp xếp dân cư theo quy hoạch. Đối với các hộ DCTD đến sinh sống xen ghép vào các thôn, bản hiện có bố trí đất ở, đất sản xuất theo quy định của Luật Đất đai tại địa phương để nhân dân ổn định đời sống, sản xuất. Sau khi sắp xếp ổn định dân cư theo quy hoạch, tiến hành nhập hộ tịch, hộ khẩu và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo quy định (đối với những hộ chưa thể nhập hộ khẩu ngay thì địa phương vận dụng linh hoạt để cấp thẻ “KT3 đến” để tạo điều kiện cho các cháu nhỏ được đi học và khám chữa bệnh).

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành để ổn định dân cư hạn chế tình trạng dân DCTD, trong đó thường xuyên có tổ công tác xuống các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động làm cho mọi người dân nhận thức được tác hại của hành vi DCTD cho bản thân và cộng đồng.

Tập trung chỉ đạo thực hiện bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1176/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 và Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ theo các bước phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trước hết ưu tiên thực hiện các điểm dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng), vùng có nguy cơ về thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ…), vùng dân DCTD đến ở phân tán không theo quy hoạch. Nơi dân cư ở phân tán cần thực hiện quy tụ các cụm dân cư tối thiểu 20-30 hộ/cụm để thuận lợi cho quản lý và xây dựng các công trình phúc lợi, tăng hưởng thụ cho đồng bào. Bố trí ổn định dân cư theo nhiều hình thức tập trung, xen ghép và ổn định dân cư tại chỗ khắc phục khó khăn về quỹ đất ở, đất sản xuất của từng địa bàn.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính hiện hành, bãi bỏ các chính sách không hiệu quả và điều chỉnh, bổ sung các chính sách đảm bảo thống nhất mức hỗ trợ, nội dung hỗ trợ cho cùng một đối tượng trên địa bàn xã, thôn, bản, tạo điều kiện cho đồng bào nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần ổn định đời sống tại chỗ là chính.

Ông Trương Văn Tỵ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Tạo mọi thuận lợi cho người dân 

Thời gian qua tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai quyết liệt việc ổn định đời sống cho dân di cư, phân công cán bộ bám địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát lại diện tích đất chồng lấn với nông - lâm trường để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con, ổn định cuộc sống hướng tới giảm nghèo bền vững. Công tác ổn định dân di cư địa bàn tỉnh Kon Tum gắn với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương, cùng với các chương trình, dự án khác, cơ sở hạ tầng ở các xã được đầu tư hỗ trợ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh Kon Tum có 25.026 lượt hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với nhu cầu vốn thực hiện là 225,44 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến tháng 5/2016, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ cho 9.994 lượt hộ về đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán. Tổng kinh phí đã giải ngân 28,131 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 16,13 tỷ đồng cho 7.787 lượt hộ; ngân sách địa phương hỗ trợ 207 triệu đồng cho 207 hộ; nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội 11,794 tỷ đồng cho 787 hộ. Năm 2016, Kon Tum được giao 25,25 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương 15,25 tỷ đồng, ngân sách địa phương 10 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ để tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất, mua sắm máy móc nông cụ và nước sinh hoạt phân tán. Đối với tình hình dân cư ngoài kế hoạch, từ năm 2005 - 2015, toàn tỉnh có 7.114 hộ/21.413 khẩu di cư đến địa bàn, tập trung sinh sống nhiều ở huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy. Các hộ DCTD đều được địa phương quan tâm trong việc cấp hộ tịch, hộ khẩu; đời sống ổn định. Giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Kon Tum triển khai 4 dự án bố trí ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, qua đó đã sắp xếp ổn định cho 2.319 hộ/9.657 khẩu. 

Ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Không để dân di cư đói 

Tỉnh Bình Phước đang triển khai thực hiện “Đề án tổng thể đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân DCTD từ Campuchia về tỉnh giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu cụ thể là trợ giúp cho người dân tự do từ Campuchia về tỉnh Bình Phước không bị đói, có nơi ở và bảo đảm các nhu cầu, điều kiện sống tối thiểu; đồng thời hỗ trợ các điều kiện cần thiết về đất ở, vốn sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm để người dân tham gia phát triển sản xuất ổn định đời sống, hỗ trợ đảm bảo các điều kiện về y tế và giáo dục. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Phước thực hiện các nội dung, giải pháp hỗ trợ nhà ở, đất ở, giải quyết việc làm, học nghề, giáo dục cho các hộ dân DCTD từ Campuchia về nước gặp khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện trên 14,5 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh chú trọng hỗ trợ chi phí học tập, giảm học phí cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên là người Việt Nam DCTD từ Campuchia về tỉnh mà chưa nhập quốc tịch, chưa đăng ký hộ khẩu nhưng sinh sống tại địa phương thuộc địa bàn tỉnh quản lý. Đồng thời, tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ 1.047 người Việt Nam DCTD từ Campuchia về nước gặp khó khăn mà chưa nhập quốc tịch, chưa đăng ký hộ khẩu nhưng sinh sống tại tỉnh được mua bảo hiểm y tế. Để kế hoạch hỗ trợ được triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện điều tra, rà soát, phân loại đối tượng, lập kế hoạch trợ giúp cụ thể. Bên cạnh đó, triển khai mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người DCTD từ Campuchia về Việt Nam. 

Bà Vàng Thị Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông: Ổn định cuộc sống nhờ nghề dệt 

Gia đình tôi vào Đắk Nông từ những năm 2000, khi di cư vào đây gia đình tôi vẫn giữ nghề truyền thống là dệt vải, may, thêu các trang phục truyền thống của đồng bào Mông. Người Mông quan niệm trang phục và nghề dệt, may, thêu đều là của cải cần được bảo tồn và gìn giữ. Khi đến vùng đất mới giữa đại ngàn Tây Nguyên, nhiều phụ nữ Mông tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc. Gần đây, nhiều hộ đã phát triển nghề truyền thống và đã "ăn nên làm ra" từ nghề. Hiện làng người Mông ở Đắk Som có khoảng 10 hộ đang làm nghề may thêu trang phục. Xã Đắk Som hiện có gần 1.500 hộ dân; trong đó có khoảng 500 hộ dân tộc Mông. Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, từ việc cấp đất ở, đất sản xuất, đến cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hầu hết các gia đình người Mông đã mua sắm được các trang thiết bị thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xe máy, tivi, máy cày, máy xới… Đồng bào cũng tích cực bảo tồn những phong tục, tập quán đẹp của dân tộc mình và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. PV


V.T
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN