Tây Bắc xây dựng nông thôn mới: Tăng cường nguồn lực, điều chỉnh tiêu chí

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình), diện mạo vùng nông thôn Tây Bắc đã phần nào đổi thay, hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đồng bào các dân tộc nhiều nơi được cải thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên.


Kết quả bước đầu


Các tỉnh trong vùng đã hình thành bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp từ tỉnh đến xã, thôn, bản. Nhiều địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách và có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân nên bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 35%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7% so với trước. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang trở thành một phong trào xã hội rộng lớn ở khắp các địa phương trong vùng.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.  Trung Kiên - TTXVN


Tính đến tháng 9/2013, toàn vùng Tây Bắc đã có 80% số xã hoàn thành quy hoạch chung. Tuy nhiên, trong đó mới có 30% số xã có quy hoạch sản xuất nông nghiệp; 40% số xã có quy hoạch chi tiết hạ tầng và 30% số xã công bố quy hoạch. Bình quân các xã đã đạt 6,3 tiêu chí (bình quân cả nước đạt 8,06 tiêu chí). Mức độ đạt tiêu chí NTM của các tỉnh trong vùng như sau: Phú Thọ 8,31, Lào Cai 7,73, Tuyên Quang 7,43, Hòa Bình 6,34, Yên Bái 6,14, Bắc Kạn 5,4, Lai Châu 5,01, Sơn La 4,03, Hà Giang 3,98, Lạng Sơn 3,86, Cao Bằng 3,31, Điện Biên 2,53.


Những khó khăn, vướng mắc


Trước hết, về nguồn lực, đa số các tỉnh trong vùng còn nghèo, nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu về nguồn lực để thực hiện Chương trình là rất lớn, chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương nên các tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động bố trí, huy động vốn để thực hiện Chương trình; các chính sách hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Chương trình chưa sát thực tế; nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước dành riêng cho Chương trình còn quá ít so với mục tiêu khối lượng công trình đề ra; việc huy động nguồn lực từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước hạn chế, nhất là từ doanh nghiệp, tín dụng và nội lực đóng góp từ người dân. Các HTX, tổ hợp tác chưa đóng vai trò đầu tàu trong các hoạt động phát triển sản xuất, đào tạo nghề và cung cấp dịch vụ cho xã viên, các hội, đoàn thể chưa thực sự “chung tay” xây dựng nông thôn mới.


Thực tế, hiện trạng hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn vùng Tây Bắc nhìn chung còn rất thấp so với yêu cầu của từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Do tính đặc thù của vùng Tây Bắc nên suất đầu tư cao hơn so với các vùng khác trong cả nước... Việc đảm bảo yêu cầu về quy mô, diện tích đối với một số hạng mục công trình cơ sở hạ tầng theo tiêu chí khó đạt.


Về phát triển sản xuất, Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng do đặc thù đất đai rộng lớn, bị chia cắt phân tán, hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn thiếu và yếu, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, các chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện, nhưng thiếu chiều sâu; tư duy theo kiểu “lối mòn” vẫn khá phổ biến, dẫn tới ít có các mô hình sản xuất tiêu biểu có hiệu quả kinh tế cao. Các địa phương vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế. Lao động tuy đã được đào tạo, tập huấn nhưng chưa thực sự gắn với nhu cầu lao động ở địa phương.


Văn hóa, xã hội còn nhiều yếu kém và bất cập. Cơ sở vật chật chất tuy đã được nâng cấp, việc đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ đã được chú trọng, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành giáo dục và y tế. Các hoạt động về xây dựng thiết chế văn hóa, giữ gìn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn miền núi chưa được quan tâm; việc xử lý rác thải, nước thải chưa được chú ý; nông thôn ở một số nơi còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất trật tự, an toàn xã hội…


Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế là một trong những trở ngại lớn. Đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở còn ít, năng lực quản lý, tổ chức, trình độ chuyên môn, kiến thức kinh nghiệm trong xây dựng NTM hạn chế, đặc biệt là một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa hiểu đúng về xây dựng NTM, có tư tưởng bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên để thoát nghèo và làm giàu là hạn chế lớn trong phát huy nội lực của mỗi địa phương. Một số địa phương còn chạy đua theo phong trào, lấy thành tích nên thiếu bền vững, hiệu quả thực hiện chưa cao.


Đặc biệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, có nơi còn có biểu hiện nóng vội, gò ép, chất lượng công tác quy hoạch NTM, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế. Có những địa phương quá tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ phát triển sản xuất…


Đề xuất, kiến nghị


Để sớm đạt được mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, thiết nghĩ trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước và các địa phương cần có nhiều giải pháp hơn nữa, sát hợp với tình hình thực tiễn của vùng Tây Bắc.


Thứ nhất, cần tăng cường nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM tương xứng với mục tiêu đề ra; có cơ chế đặc thù về xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi; cần ban hành cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án theo hướng tăng cường phân cấp tối đa cho các địa phương để chủ động ưu tiên, bố trí nguồn lực theo các tiêu chí nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Có cơ chế tín dụng ưu đãi đặc thù cho xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tăng nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn.


Thứ hai là xem xét điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với việc tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh vùng Tây Bắc, như: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, thiết chế các trung tâm văn hóa, cấp đường giao thông nông thôn, môi trường, chợ nông thôn, sân vận động... Chính phủ nghiên cứu, có chính sách đặc thù cho phát triển hạ tầng thiết yếu và phát triển nông - lâm nghiệp vùng Tây Bắc (giao thông nông thôn, cấp nước sạch tập trung, công trình thuỷ lợi đầu mối, nhà văn hóa thôn, bản, bố trí sắp xếp dân cư….).


Thứ ba, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất vùng hàng hoá chuyên canh tập trung, gắn chế biến với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo mô hình trang trại với một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, nhất là nâng cao năng lực hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp. Mỗi thôn, xã xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung (hướng vào cây con phù hợp, nghề lợi thế đã được lựa chọn trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã).


Thứ tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở nông thôn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phát triển văn hóa, thể thao quần chúng, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào chỉnh trang vườn tược, nhà cửa gọn gàng, xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình. Sử dụng các công trình nước sạch hợp vệ sinh đã và đang triển khai trên địa bàn có hiệu quả; tổ chức tốt công tác thu gom, xử lý rác thải khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn… Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.


Và quan trọng là phải xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, chủ động giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, ngay từ khi mới phát sinh, không để khiếu kiện đông người, kéo dài vượt cấp. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã đến năm 2020 đạt chuẩn; tập huấn cho đội ngũ cán bộ thôn, bản về kiến thức xây dựng NTM. Triển khai nhanh công tác dạy nghề cho nông dân, trước hết là dạy nghề đáp ứng cho đề án phát triển sản xuất đã được phê duyệt. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế xã theo tiêu chí chuẩn quốc gia.


Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới.



T.H (Ban Chỉ đạo Tây Bắc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN