Trong công văn, Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về kế hoạch tổ chức Lễ hội đâm trâu ở xã Hồng Tiến. Từ đó, các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp chấn chỉnh, kịp thời xử lý vi phạm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tiến hành rà soát hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức lễ hội đâm trâu trên địa bàn tỉnh. Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu địa phương đặc biệt chú trọng việc không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội đâm trâu nếu đây không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích trục lợi cá nhân.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện nghiêm Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Nghiêm cấm việc thương mại hóa lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm” và các quy định pháp luật hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh, góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương tới nhân dân và bạn bè quốc tế.
Theo báo chí phản ánh, chính quyền UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vận động mỗi hộ dân đóng 300.000 đồng lấy kinh phí tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11/2018. Lễ hội đâm trâu ở xã đã có từ lâu đời, là nét văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc Pa hy. Trước đây, lễ hội được tổ chức 5 năm một lần, nhưng do khó khăn nên xã làm 10 năm một lần. Trước việc chính quyền xã vận động thu tiền để tổ chức lễ hội đâm trâu, nhiều hộ dân nghèo xã Hồng Tiến đã thể hiện sự bức xúc, không đồng tình.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: Lễ hội truyền thống phải thực hiện quản lý theo tư 15/2015/TT-BVHTTDL Quy định về tổ chức lễ hội. Trường hợp lễ hội đâm trâu có nghi lễ hiến sinh, địa phương phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc có hình thức tổ chức phù hợp, hạn chế bạo lực, phản cảm. Đặc biệt, nếu là lễ hội truyền thống không được thu tiền của dân, vì trách nhiệm tổ chức lễ hội là của địa phương...
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi công văn số 3542/BVHTTDL-VHCS tới UBND Thành phố Hải Phòng đề nghị địa phương này không được phép bán vé các hoạt động chính hội của Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn (ngày 18/9, tức ngày 9/8 Âm lịch) bởi đây là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm Công điện số 240/CĐ-TTg (ngày 21/2/2018) của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh… Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn được phục dựng từ năm 1990. Đến năm 2013, lễ hội này được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.