Nghệ nhân Đào Đình Trung miệt mài vẽ tranh đỏ Kim Hoàng. |
Sống lại dòng tranh quý
Theo chân những người yêu tranh Kim Hoàng, chúng tôi về thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào những ngày giáp Tết. Ngôi làng cổ ven đô, đang trong quá trình đô thị hóa, nhưng vẫn không làm mất đi những nét trầm mặc vốn có xưa kia, với cây đa, giếng nước, mái đình. Ngay bên cạnh ngôi đình làng cổ kính, là gian nhà truyền thống làng Kim Hoàng, trong nhà truyền thống này, lưu giữ nhiều câu chuyện về lịch sử làng Kim Hoàng, trong đó có câu chuyện về dòng tranh đỏ Kim Hoàng, một thời huy hoàng, rồi thất truyền và nay được hồi sinh.
Những ngày này, gian nhà truyền thống của thôn trở nên nhộn nhịp hơn, bởi thường xuyên có khách ghé thăm. Có người tìm đến chỉ vì tò mò, muốn tận mắt xem và tìm hiểu về dòng tranh đỏ Kim Hoàng. Cũng có người tìm đến để đặt mua tranh về treo Tết, và cũng có người, chỉ đơn giản vì yêu thích nghệ thuật tranh dân gian mà tìm đến chơi.
Bên chiếc bàn nhỏ, với la liệt nào giấy, nào màu, nào bút, rồi những chồng ván in khắc tranh trên gỗ... nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung, đang miệt mài với công việc. Anh cẩn thận lăn mực trên khuôn, sau đó nhẹ nhàng miết, in trên nền giấy gió, rồi lại cặm cụi, tỉ mẩn tô màu từng nét vẽ. Cứ như vậy, những bức tranh đỏ hình gà, lợn, hình ông Phúc, Lộc, Thọ... lần lượt hình thành.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đào Đình Trung là nghệ nhân duy nhất đang thực hiện công việc phục hồi dòng tranh Tết nổi tiếng này. Chia sẻ lý do tìm đến với dòng tranh đỏ Kim Hoàng, anh Đào Đình Trung cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở làng Kim Hoàng, nên từ khi còn rất nhỏ, anh vẫn hay nghe các cụ cao niên trong làng tự hào kể về dòng tranh Tết của làng mình xưa kia, rồi lại thấy các cụ than thở, tiếc cho một dòng tranh quý, nhưng chỉ còn trong nỗi nhớ. Khi đó, anh còn nhỏ, nghe các cụ nói chuyện, cũng cảm thấy tiếc cho làng mình, và ao ước, giá như anh có thể làm gì đó...
Tranh đỏ Kim Hoàng đang dần trở lại. |
Thế rồi, cơ hội đến khi nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, trong quá trình sưu tầm tranh dân gian, cũng thấy tiếc cho một dòng tranh quý bị thất truyền, nên có mong muốn đầu tư để giúp làng Kim Hoàng phục hồi lại dòng tranh quý. Vậy là Đào Đình Trung không ngần ngại đăng ký để đi học và phục hồi lại dòng tranh dân gian.
“Là một người con Kim Hoàng, tôi mong muốn được đóng góp một phần công sức của mình cho làng, nên khi có dự án phục hồi dòng tranh quý, tôi đã đăng ký tham gia, với hy vọng có thể giữ lại nghề của cha ông, phục hồi, gìn giữ dòng tranh Tết nổi tiếng của làng”, nghệ nhân Đào Đình Trung chia sẻ.
Vậy là, sau gần một thế kỷ thất truyền, công chúng lại được chiêm ngưỡng dòng tranh đỏ Kim Hoàng. Lần đầu tiên là tại “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” ở Bảo tàng Hà Nội (vào tháng 8/2016). Khi đó, tranh Kim Hoàng đã gây ấn tượng với công chúng bởi sự độc đáo của nó.
Cho đến Tết Nguyên đán năm Đinh Dậu 2017, tranh Kim Hoàng được mang đến giới thiệu và bán tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được nhiều người chọn mua. Nên những người dân Kim Hoàng, đặc biệt là những người tham gia phục hồi dòng tranh này mừng lắm, bởi “khi tranh còn được người dân yêu thích, chọn mua, là có cơ hội hồi sinh rồi”, nghệ nhân Đào Đình Trung vui vẻ nói.
Hành trình tìm lại di sản
Ít ai biết rằng, hành trình để đưa dòng tranh Tết Kim Hoàng trở lại với cuộc sống cũng vô cùng gian nan. Ông Nguyễn Sỹ Tiến, một người con của làng Kim Hoàng, hậu duệ của ông Tổ nghề tranh đỏ Kim Hoàng kể, cụ Tổ của dòng họ Nguyễn Sỹ ở Kim Hoàng là một trong những người đầu tiên làm ra tranh Kim Hoàng. Đó là vào khoảng nửa sau thế kỷ 18, cụ Tổ dòng họ Nguyễn Sỹ di cư từ Thanh Hóa ra Bắc lập nghiệp. Nhận thấy tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương..., nên cụ tổ dòng họ Nguyễn Sỹ và dòng họ Nguyễn Thế người làng Kim Hoàng, đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới, có sự kết hợp kỹ thuật và mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống.
Vào thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, được người dân trong vùng ưa chuộng và thường mua tranh về treo, chơi những dịp Tết đến, xuân về. Nhưng đến năm 1915, khi các làng mạc từ thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) đến khu vực quận Cầu Giấy bị ngập trắng, những ván in tranh của làng Kim Hoàng bị nước cuốn trôi gần hết, chỉ còn lại rất ít mẫu tranh và cũng chỉ còn vài nhà làm tranh. Nhưng giai đoạn đó, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, mất mùa, rồi nạn đói hoành hành... cho nên đến năm 1945, thì tranh Kim Hoàng hoàn toàn không còn được sản xuất nữa, những ván khắc in cũng thất lạc hết, chỉ còn vài mẫu tranh như “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” còn có bản in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh đỏ Kim Hoàng ngày càng được nhiều người yêu thích. |
Những tưởng rồi dòng tranh Tết ấy cứ thế thất truyền, mang theo niềm nuối tiếc của người yêu tranh, nhưng may mắn thay, trong hành trình tìm kiếm sưu tầm những dòng tranh dân gian nổi tiếng trong nước, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tìm về Kim Hoàng để tìm hiểu về dòng tranh Tết bị thất truyền ấy. Tiếc cho một dòng tranh Tết đẹp, tiếc cho một di sản quý bị thất truyền, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã nghĩ đến việc phục hồi lại dòng tranh này, bà đã lên kế hoạch, gặp gỡ một số nghệ nhân, những nhà nghiên cứu mỹ thuật... đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ bà khôi phục dòng tranh.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ, không được may mắn như tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, tuy bị mai một nhưng vẫn còn có người giữ nghề. Dòng tranh Kim Hoàng sau năm 1945 đã hoàn toàn thất truyền, không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những chứng tích còn sót lại của dòng tranh Kim Hoàng tại xã Vân Canh gần như biến mất. Những bức tranh và bản khắc còn lại đều là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.
Để có được những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa tìm đến các bảo tàng, gặp gỡ các nhà sưu tập trong và ngoài nước, vừa để tìm hiểu các mẫu tranh Kim Hoàng, vừa tìm kiếm những bản khắc gỗ xưa còn sót lại. Trong quá trình tìm kiếm, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã tìm được một số tranh Kim Hoàng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là những bức tranh in trong bộ sách tranh ‘Imagerie Populaire Vietnamienne” của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand. Sau khi tìm được tranh, bà Hòa tìm đến các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu mỹ thuật... tham vấn ý kiến, sau đó nhờ các nghệ nhân điêu khắc phục dựng lại.
Việc phục chế những bản khắc ván gỗ cũng rất kỳ công. Để có được những bản khắc tranh như hiện nay, nhóm nghiên cứu, phục hồi tranh đã phải nhờ cậy trên 30 nghệ nhân, đến từ các làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế)... Việc tưởng đơn giản, nhưng lại vô cùng khó khăn, bởi tranh Kim Hoàng có nhiều chi tiết tinh tế, đòi hỏi thợ tay nghề cao mới làm được, trong khi những nghệ nhân làm nghề khắc gỗ mà có tay nghề cao đang ngày càng hiếm, đặc biệt là trong tranh Kim Hoàng có khắc kèm chữ Hán, nên việc thuê người khắc càng khó khăn hơn. Nhiều ván gỗ khắc xong, in ra thấy không giống bản gỗ, lại phải làm lại, rất kỳ công. Có lẽ vì vậy, mà đến nay, sau hơn 2 năm, nhóm nghiên cứu mới phục hồi được khoảng 30% mẫu tranh Kim Hoàng.
Một khó khăn nữa trong quá trình phục hồi tranh Kim Hoàng là thiếu nhân lực. Cho đến nay, sau 2 năm phục dựng, cũng mới chỉ có duy nhất nghệ nhân Đào Đình Trung vẽ được tranh Kim Hoàng. Hiện dự án vẫn đang tiếp tục tuyển chọn thêm người với mục đích sẽ đào tạo để phục hồi dòng tranh Tết này.
Ông Trần Xuân Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Vân Canh cho biết, chính quyền xã cũng mong muốn khôi phục dòng tranh dân gian này, nên dù còn khó khăn, nhưng xã cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cả về mặt bằng, về nhân lực để hỗ trợ công tác khôi phục dòng tranh quý này.
Chị Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, hiện tại, mỗi năm nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra một mẫu, ứng với 12 con giáp để làm tranh Tết. Năm trước là tranh con gà, năm nay năm Tuất, nhóm nghiên cứu đã chọn mẫu linh vật Việt là con nghê là con vật biểu trưng trong năm. “Càng những ngày cận Tết, càng có nhiều người tìm đến đặt mua tranh Kim Hoàng, nên những người làm tranh như chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng, bởi công sức của chúng tôi đã được ghi nhận”, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa bày tỏ.
Còn nhớ, cách đây khoảng 7 - 8 năm, trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng tôi đã từng tìm về Kim Hoàng để tìm hiểu và viết bài về dòng tranh đỏ này. Khi đó, các cụ cao niên trong làng, ai cũng ngậm ngùi, nhớ tiếc một dòng tranh đã “một thời vang bóng”, từng mang lại “tiếng thơm” cho làng Kim Hoàng, nhưng lại chỉ còn trong nỗi nhớ. Nhưng lần này, trở lại Kim Hoàng, gặp lại các cụ, tôi thấy cụ nào cũng vui vẻ, hồ hởi lắm. Mà không vui sao được, khi dòng tranh quý của làng mình đã được những người có tâm đầu tư, gìn giữ và làm cho tranh “sống” lại.