Tại sự kiện diễn ra ở Đường Sách TP Hồ Chí Minh, khái niệm "báo chí công dân" lần đầu tiên được trình bày một cách bài bản dưới góc nhìn học thuật kết hợp thực tiễn. Tác giả Nguyễn Bá Ngọc, người có hơn 10 năm làm báo và nhiều năm trong lĩnh vực PR chia sẻ: “Báo chí công dân thực chất đã diễn ra từ lâu, khi mỗi người đều có thể ghi lại, chia sẻ thông tin bằng chiếc điện thoại thông minh. Những hình ảnh tại hiện trường cháy nổ, tai nạn hay khoảnh khắc đời thường lan truyền trên mạng chính là một dạng báo chí công dân”.
Không gian tại buổi giao lưu giới thiệu sách.
Sinh viên Thúy Diễm (năm 3, ngành Quản trị truyền thông, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước giờ em chỉ biết khái niệm này qua các video trên TikTok, Facebook. Nay được nghe phân tích cụ thể và đặt trong bối cảnh báo chí - PR hiện đại, em hiểu rõ hơn vai trò của mình khi tiếp cận và chia sẻ thông tin”.
Không khí giao lưu thêm phần sôi nổi khi nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi về kỹ năng viết, ghi chép, sàng lọc và kiểm chứng thông tin trong thời đại mạng xã hội phát triển. Tác giả Nguyễn Bá Ngọc nhấn mạnh: “Kỹ năng ghi chép, dù bằng giấy bút hay điện thoại, vẫn là kỹ năng sinh tồn trong rừng thông tin hỗn loạn hiện nay”.
Chủ đề báo chí công dân thu hút sự quan tâm của nhiều các bạn trẻ.
Không chỉ dừng ở báo chí công dân, cuốn sách còn mở rộng phân tích sự chuyển mình của ngành PR và truyền thông trong kỷ nguyên số. Từ phân tích dữ liệu, sáng tạo nội dung trên đa nền tảng, xử lý khủng hoảng truyền thông cho đến cạnh tranh trực tiếp với công nghệ AI, tất cả được đề cập rõ nét và thực tế.
Sinh viên Huyền My chia sẻ: “Em từng nghĩ PR chỉ là tổ chức sự kiện, gửi thông cáo báo chí. Nhưng sau buổi hôm nay, em mới hiểu người làm truyền thông hiện đại cần biết cả phân tích dữ liệu, sáng tạo nội dung và ứng phó với khủng hoảng trên mạng xã hội”.
Độc giả tại khu trưng bày sách, Đường sách TP Hồ Chí Minh.
Nhiều người tham dự cũng bất ngờ khi nhận ra mình đã từng “làm báo” mà không hay biết. “Tôi từng gửi ảnh hiện trường một sự kiện cho nhà báo. Đọc sách mới hiểu, lúc đó tôi đã là một nhà báo công dân rồi”, chị Phương Huyền chia sẻ.
Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó phần đầu tiên chuyên sâu về báo chí công dân, phần còn lại phân tích thách thức của nghề PR trong môi trường truyền thông hiện đại: Từ tin giả, áp lực phản hồi nhanh đến tiêu chuẩn đạo đức và quản trị minh bạch. Tác phẩm được đánh giá cao bởi sự kết hợp giữa lý thuyết nền tảng và kinh nghiệm thực hành, phù hợp với sinh viên ngành báo chí - truyền thông, chuyên viên PR - marketing và cả người điều hành doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều câu chuyện về kỹ năng, kinh nghiệm làm truyền thông được tác giả và các bạn sinh viên thảo luận sôi nổi.
Sự kiện khép lại bằng thông điệp rõ ràng: Trong kỷ nguyên số, khi ranh giới giữa nhà báo chuyên nghiệp và người dùng mạng xã hội ngày càng mờ nhạt, việc hiểu bản chất truyền thông, có kỹ năng xử lý thông tin và chiến lược hành nghề là điều không thể thiếu.
Như tác giả Nguyễn Bá Ngọc khẳng định: “Không quan trọng bạn là ai. Quan trọng là bạn biết mình muốn nói gì, viết gì và vì điều gì. Ai cũng có thể trở thành người làm truyền thông nếu có đam mê, hiểu biết và… một chiếc điện thoại”.