Sân khấu nỗ lực trở lại trạng thái 'bình thường mới'

Do ảnh hưởng từ hai đợt dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, các sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh đều trong trạng thái hoạt động cầm chừng, có nơi phải đóng cửa nhằm bảo đảm an toàn.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, với  hy vọng “sáng đèn”, nhiều sân khấu Thành phố đã từng bước khôi phục hoạt động biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên miệt mài tập luyện, nhanh chóng trở lại với nhiều vở diễn mới, đem đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa, giải trí hữu ích.

Chú thích ảnh
Trích đoạn vở cải lương "Giấc mộng đêm xuân". Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Sân khấu dần “hồi sinh”

Mặc dù có sự e dè trong đầu tư vở diễn khi khó khăn chồng chất nhưng bên cạnh việc sáng đèn trở lại bằng các vở diễn cũ ăn khách, các sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng dựng vở mới có kịch bản; đồng thời, thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và có chính sách kích cầu khán giả quay lại sân khấu xem kịch.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh vừa công chiếu vở tuồng Vương Thúy Kiều của Nghệ sĩ ưu tú Hữu Danh (phóng tác theo Truyện Kiều của Nguyễn Du và bổn tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Đảng, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu). Theo đó, Nhà hát cũng tái diễn chương trình quảng bá nghệ thuật hát bội phục vụ du lịch tại hai địa điểm: Sân trước Đền Hùng - Thảo Cầm Viên Sài Gòn và lăng Lê Văn Duyệt vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần nhằm mang đến cho công chúng một chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đồng thời hiểu thêm những kiến thức về bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc có lịch sử lâu đời.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sau đợt dịch, nhà hát đẩy mạnh nhiều hoạt động tập luyện, biểu diễn, không chỉ cho khán giả mà còn cho chính nhu cầu được diễn của các văn nghệ sĩ. Nhằm ngợi ca và tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, đại diện Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cùng gần 50 văn nghệ sĩ Thành phố đã cùng nhau góp sức thực hiện MV ca nhạc “Niềm tin chiến thắng”.

Trước tình hình các tỉnh, thành miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, các sân khấu xã hội hóa tại Thành phố cũng công bố nhiều vở diễn nhằm gây quỹ hỗ trợ. Dưới hình thức này, các nghệ sĩ sẽ không nhận thù lao biểu diễn để chung tay quyên góp cho đồng bào miền Trung.

Đi đầu trong công tác cứu trợ, sân khấu Sen Việt của đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt tổ chức suất diễn đặc biệt với tên gọi “Thương về miền Trung” tại số 5B Võ Văn Tần (Quận 3) trình diễn vở cải lương lịch sử Truyền tích Cổ Loa xưa. Toàn bộ doanh thu đêm diễn được dành để chia sẻ cùng đồng bào miền Trung.

Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng dành toàn bộ số tiền bán vé vở “Cuộc chiến sắc đẹp” cùng sự đóng góp của tập thể nhân viên, nghệ sĩ và khán giả để gửi ra miền Trung trong chuyến đi từ thiện cùng nghệ sĩ Đại Nghĩa.

Tương tự, sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận tổ chức tái diễn vở kịch kinh điển "Lôi Vũ" của tác giả Tào Ngu, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Việt Anh nhằm quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang chống chọi với bão lũ. Nhằm thu hút khán giả mộ điệu, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân tiếp tục đưa lên sàn diễn các vở như: “Số đỏ”, “Ngẫm Kiều”, “Bến đục, bến trong”, “Người vợ ma”, .... của hai sân khấu kịch Hồng Vân - Phú Nhuận và Hồng Vân - Chợ Lớn để chung tay góp công sức cùng các sân khấu trong công tác cứu trợ mang đầy ý nghĩa này.

Bên cạnh đó, các sân khấu kịch nói xã hội hóa cũng tất bật sáng đèn với nhiều suất diễn vào những ngày cuối tuần. Sau một thời gian tạm ngưng diễn, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh cũng luân phiên tổ chức các vở "Công lý như mặt trời", "Tía ơi con lấy chồng", "Bồ công anh" và đặc biệt là chương trình hài kịch ngắn vào tối thứ Năm hằng tuần. Tất cả doanh thu sẽ được dành cho hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh, dù cho ra mắt nhiều vở diễn đặc sắc nhưng có những suất chiếu, sân khấu vẫn phải tự bù lỗ vì thưa thớt, vắng bóng khán giả. Tuy nhiên, đối với các văn nghệ sĩ, mỗi tấm vé được bán ra, dù ít hay nhiều, đối với họ đều là niềm hạnh phúc khi cùng với các đoàn từ thiện hướng về đồng bào miền Trung đang phải đối mặt với thiên tai, bão lũ.

Chung tay phục hồi sân khấu

Chú thích ảnh
NSND Lệ Ngọc vào vai mẹ chồng Kim Tử, vai diễn mẹ chồng độc ác trong vở kịch "Kim Tử". Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Dù các đơn vị sân khấu Thành phố đã rộn ràng “sáng đèn” bằng nhiều chiến lược, hình thức khác nhau nhưng thực trạng bán vé thưa vắng là hiện tượng vẫn tồn tại lâu nay ở các đơn vị sân khấu phía Nam.

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên cho biết, khi dịch bệnh lắng xuống, các nhóm văn nghệ sĩ tại nhà hát đã cố gắng không ngừng nghỉ, liên tiếp tổ chức các suất diễn, đưa những tác phẩm chất lượng, hấp dẫn, cả cũ và mới phục vụ khán giả… Tuy nhiên, để giúp sân khấu vượt qua tình trạng khó khăn không phải là câu chuyện của một vài cá nhân mà đòi hỏi có sự chung tay, đồng lòng. Bên cạnh đó, thay vì chờ các chủ mặt bằng hỗ trợ giá thuê để giảm gánh nặng tiền vé cho khán giả đến rạp cần có nhiều chính sách hỗ trợ thêm về các khoản chi phí để nghệ sĩ yên tâm sáng tạo nghệ thuật.

Bên cạnh bài toán về chi phí quản lý, theo Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Kim Chi, cần chú trọng việc dàn dựng các vở diễn, đào tạo đội ngũ viết kịch bản sân khấu một cách bài bản, dựng vở diễn giàu cảm xúc và mang lại những thông điệp giá trị; đồng thời, đa dạng thêm các vở diễn mới, tránh sự nhàm chán và quảng bá sân khấu một cách sâu rộng hơn để các đơn vị nghệ thuật theo đó hưởng ứng, sớm tạo sự chuyển biến tích cực cho sân khấu Thành phố.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện sân khấu Idecaf cho rằng, trong đợt khủng hoảng sân khấu vừa qua, dù kịch bản sân khấu ngày càng hạn chế, diễn viên tứ tán, không ít nghệ sĩ làm nghề cảm thấy mệt mỏi nhưng họ vẫn gắng gượng, duy trì bằng tình yêu nghề, cùng san sẻ khó khăn để vượt qua thời kỳ ảm đạm của những đêm diễn đìu hiu.

Điều này đòi hỏi bản thân các sân khấu có lẽ cũng phải thay đổi từ nâng cấp hệ thống sở vật chất đến đầu tư kịch bản chỉn chu, kiên quyết nói không với khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật biểu diễn. Với những trăn trở trên, ông hy vọng qua những đợt “gồng mình” vượt khó này, sân khấu sẽ một lần nữa khắc phục những điểm yếu nội tại để trở lại mạnh mẽ, thu hút khán giả hơn. Song song đó, công tác phòng dịch vẫn là nhiệm vụ của các sân khấu trong thời điểm này. Để giữ an toàn cho mỗi suất sáng đèn, Idecaf luôn nghiêm túc nhắc nhở khán giả đến xem kịch phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào rạp.

Thu Hương (TTXVN)
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ

Ngày 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN