Phục dựng “Nhà có ba chị em gái”

Sau 10 năm ra mắt khán giả Thủ đô và đã kịp ghi dấu ấn thành công với công chúng cả nước, vở kịch tâm lý xã hội đặc sắc “Nhà có ba chị em gái” được phục dựng lại, sẽ công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) vào tối chủ nhật 20/4/2014 và sau đó là tối chủ nhật 4/5/2014.

 

“Vở diễn “Nhà có ba chị em gái” (kịch bản Thu Phương, đạo diễn NSND Xuân Huyền) trở lại với diện mạo mới dưới bàn tay dàn dựng của trợ lý đạo diễn Bùi Như Lai và sự thể hiện của các nghệ sĩ Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ; sẽ thêm một lần nữa khẳng định khuynh hướng sân khấu chính kịch nghiêm túc của Nhà hát Tuổi trẻ, hướng tới những vấn đề quan hệ xã hội như gia đình, tình yêu và hôn nhân”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết.


“Nhà có ba chị em gái” là câu chuyện về Tú, Nhiên và Quỳnh, những người đàn bà nhan sắc, thành đạt, nhưng đều bất hạnh trong hôn nhân do những nhận thức cực đoan của mình. Tú (do NSƯT Minh Hằng tiếp tục thể hiện lại sau 10 năm vào vai) với mặc cảm của người đã qua một lần đò, vội vã đi bước nữa để rồi nhẫn nhục, cam chịu thói vũ phu, cờ bạc của người chồng vô tích sự; đồng thời bị con gái ruột ghẻ lạnh. Cam chịu như vậy, nhưng rốt cuộc Tú vẫn không giữ được hạnh phúc: Gã chồng thua đề, đã vơ vét tiền bạc vợ vay, bỏ đi với gái. Cô em thứ - Nhiên (nghệ sĩ Thanh Nhàn thể hiện) dù lấy được người mình yêu, nhưng lại không thấy được hạnh phúc mình đang có trong tay mà nhẹ dạ lao theo những ảo ảnh trong cuộc phiêu lưu tình cảm với chàng trai trẻ tình cờ gặp. Còn cô em út - Quỳnh (nghệ sĩ trẻ tài năng Hương Thủy thể hiện) xinh đẹp, thực tế, luôn đinh ninh cầm chắc mọi thứ trong tay với quan niệm hiện đại: Không ràng buộc, chẳng hoàn toàn thuộc về ai... toan tính hôn nhân với chàng Việt kiều chóng vánh để có tiền chu cấp cho mình, rồi bẽ bàng khi phát hiện ra hắn đã có vợ con ở Mỹ. Trắng tay trong tình yêu hôn nhân là cái giá mà những người phụ nữ trong vở kịch phải trả.


“Nhà có ba chị em gái” khai thác một hiện tượng khá phổ biến, đang gia tăng trong xã hội, đó là nguy cơ lan tràn lối sống thực dụng, tâm lý ích kỷ, diễn biến tâm trạng của những người đàn bà trong kịch được khắc họa sinh động. Mỗi khán giả phái nữ khi xem “Nhà có ba chị em” hẳn đều có cảm giác thấy một chút “lo âu, nghẹn lòng” nào đó cho hạnh phúc của chính mình. Đó chính là thành công của vở diễn khi tạo được đời sống tâm lý rất riêng biệt, cá tính đa dạng cho các nhân vật kịch.


Là những câu chuyện đầy bất hạnh, nhưng rổi vở kịch “Nhà có ba chị em gái” lại kết thúc với sự ấm áp khi cuối cùng cả 3 chị em gái đều trở về, nhỏ bé lại trong sự bao dung, nhân hậu của người cha (nghệ sĩ Duy Anh thể hiện), và vì thế, là bi kịch nhưng vở diễn vẫn mở ra cho người xem sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, khi tấm màn sân khấu khép lại...


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN