Phim "Hai phía chân trời": Bức tranh thu nhỏ về người Việt xa xứ

"Hai phía chân trời", một dự án phim truyền hình dài tập Việt Nam, được quay chủ yếu ở châu Âu là câu chuyện cảm động về thân phận những người Việt đang sinh sống ở các nước Đông Âu với bao khó nhọc, nhưng vẫn cố gắng để khẳng định tính cách Việt. Bộ phim như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở các nước Đông Âu.


"Hai phía chân trời" được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Máu của tuyết” của nhà văn Trần Hoài Nam, người đã có 18 năm học tập và sinh sống tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Các câu chuyện trong phim “Hai phía chân trời” khắc họa đậm nét thân phận người Việt xa xứ, được chắt lọc từ vốn sống của tác giả trong những năm tháng gắn bó với đồng bào nơi đất khách quê người.


Trong đó, nổi bật là số phận đầy bi kịch của Tình (do NSƯT Lê Vi thể hiện), một người mẹ để tuột tay đứa con gái bị chết chìm khi tìm cách vượt biên qua sông, vẫn luôn bị ám ảnh, day dứt đến nỗi không dám trở về quê nhà. Là Vinh (do Lê Vũ Long thể hiện), một người Việt từ Nga chạy sang Đông Âu làm ăn, từng tham gia vào các hoạt động đưa người vượt biên trái phép, tìm đủ mọi cách kiếm tiền nhưng có cuộc sống nội tâm sâu sắc. Là Lê (NSƯT Mạnh Cường), một chủ chợ người Việt ở Prague vừa đáng trân trọng với tấm lòng dành cho cộng đồng, vừa đáng sợ với những toan tính, giành giật và chấp nhận trả giá bằng máu để kiếm tiền làm giàu, đến cuối đời mong mỏi trở về quê hương sống nốt quãng đời còn lại. Là Minh (NSƯT Xuân Bắc), một luật sư chuyên hỗ trợ người Việt các thủ tục giấy tờ, nhưng ẩn sau đó là các phi vụ làm tiền trắng trợn. Hường (Kiều Thanh), một phụ nữ Việt lấy chồng Tây rất sành sỏi kiếm tiền nhưng luôn đau xót khi không thể dạy con mình nói được tiếng Việt hay Liên (Kiều Anh) – theo chồng sang đất khách quê người nhưng lại bị chính người chồng phụ bạc…

 

Cảnh trong phim "Hai phía chân trời".


"Hai phía chân trời" có sự góp mặt của nhiều nhân vật với xuất xứ, thân phận khác nhau: Có doanh nhân, trí thức, người lao động, các hội đoàn đồng hương, các tổ chức từ thiện và cả băng nhóm xã hội đen. Có người tốt, kẻ xấu, có cái thiện, cái ác, có nước mắt, nỗi đớn đau, niềm hạnh phúc với tất cả những hỉ - nộ - ái - ố, mang đặc trưng của xã hội người Việt thu nhỏ ở các quốc gia Đông Âu. Ở đó, họ phải gây dựng tất cả mọi thứ chỉ với hai bàn tay trắng, khác biệt về ngôn ngữ, môi trường văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là sự thiếu thốn về tình cảm…


Điều đáng trân trọng là dù phải bươn chải vật lộn để xây dựng cuộc sống nơi xứ lạ, nhưng những người Việt ở Đông Âu vẫn nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của người Việt Nam ở nước ngoài, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, nặng lòng với gia đình, quê hương, xứ sở.


Theo đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quốc Trọng, đoàn làm phim “Hai phía chân trời” nỗ lực hết mình để có thể thực hiện được những cảnh quay ở Cộng hòa Séc đạt được hiệu quả cao nhất, để đưa vào bộ phim những nét đặc trưng nhất của châu Âu, từ những hình ảnh lộc non cựa mình vào xuân, màu vàng xao xuyến của những cánh đồng hoa cải mùa thu cho đến những trận bão tuyết khốc liệt trong mùa đông...


Đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng chia sẻ, ông chưa bao giờ làm một bộ phim nào… khủng khiếp đến như vậy. Ngày nào anh em trong đoàn làm phim cũng quần quật ngoài phim trường từ 6 giờ 30 sáng đến 12 giờ đêm. Tốc độ làm phim chóng mặt đến độ nam diễn viên Việt kiều Lâm Vinsay, gương mặt quen thuộc trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh Đức, phải thốt lên: “Tôi chưa thấy đoàn làm phim nào làm nhiều như các anh mà không thấy mệt hay kêu ca gì cả”.


Cả hai đạo diễn của phim là Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa đều thừa nhận, họ đã phải làm phim trong những điều kiện vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng cũng từ hoàn cảnh đó, đoàn phim mới thêm thấm thía nổi khổ cực của cộng đồng người Việt tại đây. Vì vậy, cả ê kíp quyết tâm thực hiện được một bộ phim hay nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất, như một món quà gửi tặng các đồng bào Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, cũng như khán giả trong nước.

Bên cạnh dàn diễn viên gạo cội, nhiều kinh nghiệm của Việt Nam như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Lê Vi, Xuân Bắc, Lê Vũ Long, Kiều Thanh, Quỳnh Hoa, Kiều Anh, Vi Cầm… còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên nước ngoài đến từ Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Nga và các diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Kịch Praha - Cộng hòa Séc.


Với dàn diễn viên đa quốc gia, các cảnh quay chân thực tại châu Âu, cùng nội dung phim hiện thực và nhiều kịch tính, 33 tập phim "Hai phía chân trời” sẽ phần nào giúp khán giả hiểu rõ hơn về cái giá phải trả của những đồng tiền mà người thân của họ kiếm được nơi đất khách quê người. Đồng tiền ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, tủi nhục cả máu và mạng sống. Qua đó, người xem cũng hiểu rõ hơn sự thăng trầm, vinh nhục của những người Việt xa quê và cả cái cách họ yêu, họ sống, họ dám quên mình vì người khác cũng rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Phim sẽ tiếp tục được bấm máy ở Việt Nam cho đến cuối tháng 8 tới và dự định sẽ lên sóng Đài THVN vào dịp cuối năm.


Phương Lan

145 phim tham dự Liên hoan điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế tại Việt Nam

Liên hoan điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế (FICTS) Việt Nam lần thứ VI năm 2012, sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 4 - 7/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN