Pháo đất - trò chơi dân gian lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ

Sáng 3/3, tại chùa Côn Sơn thuộc Khu Di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh), hàng nghìn lượt du khách reo hò, cổ vũ Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VIII.

Tham gia liên hoan có 270 pháo thủ đến từ 9 đội thi của 9 xã: An Đức, Tân Hương, Hồng Đức, Nghĩa An, Ứng Hòe ở huyện Ninh Giang; Quang Khải, Đại Hợp, Minh Đức ở huyện Tứ Kỳ và Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc.

Bấm pháo đòi hỏi kỹ thuật cao để đảm bảo manh pháo không bị đứt.

Các đội thi đấu ở nội dung pháo đại và pháo tiểu. Mỗi đội thi có 25 pháo thủ thi chính thức và 5 pháo thủ dự bị. Mỗi pháo thủ gieo 3 lượt pháo. Hàng trăm quả pháo đất được gieo xuống sân đá phát ra tiếng nổ đì đùng. Tiếng pháo hòa cùng tiếng người xem reo hò, tiếng trống cổ vũ liên hồi tạo nên không khí vui hội tưng bừng tại chùa Côn Sơn trong ngày khai hội.

Kết quả, ở nội dung pháo đại, giải nhất đồng đội thuộc về Đội pháo Ứng Hòe với thành tích 549,1 thước. Ở nội dung bền dây của pháo đại, giải nhất thuộc về pháo thủ Nguyễn Văn Ngũ (đội Nghĩa An) với thành tích 28,6 thước. Ở nội dung dài dây pháo đại, giải nhất cá nhân thuộc về pháo thủ Nguyễn Văn Huê (đội Nghĩa An) với thành tích 10,3 thước.

Pháo thủ chuẩn bị gieo pháo.

Ở nội dung pháo tiểu, giải nhất đồng đội thuộc về đội pháo xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) với tổng thành tích 372,1 thước. Giải nhất nội dung bền dây pháo tiểu được trao cho pháo thủ Trần Đình Triển (đội pháo xã Đại Hợp) với thành tích 22,1 thước. Giải nhất nội dung dài dây pháo tiểu thuộc về pháo thủ Lê Văn Toàn (Đội pháo xã Đại Hợp) với thành tích 8,5 thước.

Mỗi đội thi đều có một bí quyết riêng. Ông Phạm Quang Điệp (đội Nghĩa An) cho biết: để gieo được một quả pháo thành công, có 3 yếu tố quan trọng: chọn và xử lý đất, kỹ thuật bấm manh pháo và gieo pháo. Nghĩa An chỉ có 2 hai thôn có đất đạt tiêu chuẩn. Đất sau khi được lấy lên, phải xử lý kỹ thuật kỳ công để loại bỏ những rễ, sỏi, tạp chất để đất đảm bảo độ dẻo vừa phải, sau đó giã nhuyễn để tạo độ dính cho manh pháo. Nghĩa An có ưu thế là pháo đại. Mỗi quả pháo đại nặng khoảng 80-90 kg. Bên cạnh đó, những pháo thủ thể lực trung bình gieo pháo khoảng 60-65 kg. Pháo thủ phải có nền tảng thể lực tốt. Những pháo thủ hỗ trợ nâng pháo phải đều tay. Kỹ thuật bấm manh tốt, khi gieo, pháo không bị đứt manh.

Quả pháo được gieo thành công là dây pháo không bị đứt.

Đã hai năm liên tiếp tham gia liên hoan, pháo thủ Trần Đình Triển (Đội pháo Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ) cho biết: Pháo tiểu là ưu thế của Đại Hợp. Mỗi quả pháo đất nặng khoảng 35 kg. Nhiều năm nay, đội Đại Hợp thường thi nội dung pháo tiểu. Cũng như Nghĩa An, đội Đại Hợp chọn nguyên liệu là đất vùng canh tác gần sông, đất thịt, không lẫn sỏi, lá hay rễ cây và về xử lý kỹ trước khi mang đến hội thi. Ông Triển cho biết, sau mùa lễ hội, đất được mang về gia cố lại và bảo quản để có thể những lần sau dùng lại.


Pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về sự ra đời của môn pháo đất, có truyền thuyết kể rằng trong trận đánh giặc Nguyên Mông năm 1288, để cứu con voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân ném đất xuống khúc sông tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Từ đó, mỗi khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên trò chơi pháo đất.

Trao giải nhất đồng đội cho đội pháo Ứng Hòe.

Trải qua bao đời, trò chơi này vẫn được bảo lưu và trao truyền. Tại Hải Dương hiện nay, hàng năm, các địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu và chủ yếu vào dịp từ tháng Giêng đến hết tháng Ba Âm lịch. Những năm gần đây, thi pháo đất là một hoạt động phần hội đặc biệt sôi nổi, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách quan tâm, cổ vũ khi về với Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018
Khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018

Sáng 3/3, tại Khu Di tích Côn Sơn, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2018, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” là bảo vật quốc gia và Tưởng niệm 684 năm (1334 - 2018) ngày mất của Đệ tam Tổ dòng thiền Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN