Quang cảnh Lễ cầu an lung linh bởi hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên, tạo hình thành dòng chữ "Lễ hội hoa đăng - Quốc thái dân an" nổi bật trên đê sông Lục Đầu. Trung tâm lễ đài là tòa tháp 9 tầng, tượng trưng cho trục nối giao thoa trời - đất, âm - dương và 9 tầng hoa văn đặc trưng cho sự hòa đồng của tam giáo đồng nguyên: Nho - Phật - Lão.
Lễ cầu an trên sông Lục Đầu là một nghi lễ linh thiêng bởi sông Lục Đầu và bến sông Vạn Kiếp xưa kia là phòng tuyến quan trọng bậc nhất, chặn giặc từ phía biển tấn công vào kinh thành Thăng Long xưa. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng, đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến thắng lẫy lừng của quân dân Đại Việt.
Nghi lễ cầu an được tổ chức trang trọng với ý nghĩa cầu siêu cho các anh linh tướng sĩ nhà Trần đã vị quốc vong thân, đồng thời cũng cầu siêu cho những vong hồn quân giặc đã bại trận nơi đây trong cuộc kháng chiến của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên Mông từ thế kỷ XIII. Bởi thế, Lễ cầu an là nghi lễ đậm tính nhân văn.
Cùng với Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc, Lễ hội quân thì Lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu là một trong những điểm nhấn độc đáo được người dân và du khách chờ đón mỗi dịp Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm.
Tại Lễ cầu an năm nay, khoảng 7.000 hoa đăng đã được thắp lên và được người dân thả xuống dòng sông Lục Đầu. Mỗi ngọn hoa đăng gửi gắm ước nguyện của người dân mong cho đất nước thái bình, nhân khang vật thịnh, người người hạnh phúc. Kết thúc Lễ cầu an và hội hoa đăng là màn bắn pháo bông rực rỡ.
Trước đó, trong 3 ngày từ 5 - 7/10, tại hồ Kiếp Bạc (Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) diễn ra chương trình trình diễn múa rối nước phục vụ du khách thập phương. Đây là một trong những nội dung đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân.
Năm nay, chương trình trình diễn do phường rối nước Bùi Thượng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo như: Tễu giáo đầu, mở hội đình làng, Tiên mời trầu, sấm sét - cày cấy, xay thóc - giã gạo, múa phượng, Tễu chui ống, giao duyên quan họ, chăn vịt, chọi trâu, múa tứ linh.
Các tiết mục đã góp phần tái hiện những tập quán sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc bộ, gắn liền với phong tục thờ thần thánh, bày tỏ nguyện vọng về một cuộc sống thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Phường rối nước Bùi Thượng là một trong ba phường rối nước còn hoạt động đến nay tại Hải Dương. Cùng với các phường rối nước ở Hải Dương như Thanh Hải (Thanh Hà), Hồng Phong (Ninh Giang) đã rất nổi tiếng, những năm gần đây, phường rối nước Bùi Thượng đã có nhiều bứt phá và đổi mới trong cách chế tạo, trình diễn các tiết mục.
Cách diễn trò rối nước của Bùi Thượng có hai loại là trò sào và trò dây. Trò sào là lắp con rối vào đầu sào để biểu diễn. Trò dây là dùng dây và các cục bê tông hoặc túi cát gắn vào mỗi con rối để cho con rối để điều khiển theo ý muốn.