Những bức tranh được vẽ từ nỗi đau…

Bốn người họ, bốn số phận khác nhau, bốn quê quán khác nhau; nhưng cùng chung một hoàn cảnh: Khuyết tật và cùng chung một niềm đam mê: Hội họa. Vẽ, với họ là cách để kiếm sống, nhưng cũng là cách để khẳng định mình “tàn nhưng không phế”.

Sinh năm 1978 tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Nguyễn Tấn Hiền hiện sống tại thành phố Đà Nẵng. Tham gia quân đội từ năm 1999 đến năm 2002, sau khi xuất ngũ và thi đỗ vào khoa toán của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, tháng 10/2002, trên đường đến trường, anh gặp tai nạn gãy cột sống cổ, liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn; hai tay đều rất yếu, chỉ duy nhất ngón cái của tay phải là còn cử động được.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền và tác phẩm của mình.


Năm 2008, nằm trong viện điều dưỡng để phục hồi chức năng, cũng là lúc Nguyễn Tấn Hiền tìm tới cây bút và màu vẽ. Do tay quá yếu, anh phải nhờ người cột bút vào tay và tập vẽ. Vẽ trở thành nguồn động viên và cũng là cách anh diễn đạt những cung bậc cảm xúc của anh với cuộc sống của mình.

Gần 10 năm nay, Nguyễn Tấn Hiền sống bằng vẽ và sống nhờ vẽ. Dù là người khuyết tật, nhưng sự lạc quan luôn thường trực trong tranh của anh. Tranh của anh thường về chủ đề cuộc sống gia đình, về tình yêu…

Bên cạnh đó, anh vẫn luôn vẽ tranh màu nước theo đặt hàng của các phòng tranh ở Hội An để kiếm sống. Nguyễn Tấn Hiền đã từng tham gia các triển lãm cùng nhóm họa sỹ khuyết tật tại Tạp chí Sông Hương - Huế; triển lãm các họa sỹ khuyết tật châu Á, tại Đài Loan (Trung Quốc), tham dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

Lê Thị Mỹ Bình sinh năm 1981, tại Yên Bái. Năm 1992, khi đang học lớp 6, Mỹ Bình bị bệnh viêm tủy cắt ngang, dẫn đến liệt 2 chân, không đứng và đi lại được. Trên chiếc xe lăn, Bình theo học đến hết lớp 9 (năm 2000) thì nghỉ. Đó cũng là lúc Bình bắt đầu tự học vẽ, rồi nhận vẽ tranh thuê và dạy trẻ học vẽ để kiếm sống.

Ban đầu, Bình chọn thể loại tranh ghép giấy, với “chất liệu” là những tờ lịch cũ được mẹ xin ở chùa. Bình vẽ phác thảo trên bìa và ghép giấy lên. Bình tỏ ra đặc biệt xuất sắc với thể loại tranh này, màu sắc của những bức tranh ghép giấy của cô rất tinh xảo và chủ đề cũng rất đa dạng.

Do những hạn chế về tài chính, nên khi đó Bình thường không dám mua nhiều màu và những vật liệu vẽ, mà sáng tạo cách sử dụng chất liệu như dùng bút dạ bảng, nhọ nồi… để tạo màu thêm cho các bức vẽ và tạo ra những hiệu ứng ấn tượng…

Bình vẽ tĩnh vật trong 1 - 2 năm lại đây, với chủ yếu là cỏ cây hoa lá quanh không gian sống của mình. Cô đã tham dự triển lãm “Ngày Mới” tại Huế cùng nhóm các họa sỹ khuyết tật; tham gia chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Tôn Hoa Sen tổ chức và tham dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc - khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ XIX.

Chưa “thành danh” trong hội họa như Nguyễn Tấn Hiền, Lê Thị Mỹ Bình; Đỗ Trọng Minh (sinh năm 1985) tại Quảng Ninh, giờ mới đang bắt đầu sự nghiệp vẽ. Sinh ra trong một gia đình bình thường tại Quảng Ninh, năm 2003, bố Minh bị ung thư gan nặng.

Vì vậy, khi học hết cấp 3, Minh xin mẹ nghỉ học, để vừa đi học nghề vừa kiếm việc làm thêm cho bố chữa bệnh. Năm 2006, bố Minh qua đời, một mình Minh lại bươn chải lo kiếm sống cho gia đình. Cuối năm 2011, giữa không khí chuẩn bị đón Tết, Minh gặp tai nạn lật xe taxi, bị đa chấn thương toàn cơ thể, liệt hoàn toàn nửa thân người dưới, từ rốn xuống chân không còn cảm giác, mất khả năng vận động vĩnh viễn.

Minh đã phải nằm điều trị cả năm trong bệnh viện với nhiều di chứng do tai nạn. Minh đã nén đau đớn, cố hết sức lực tự tập luyện để hồi phục. Từ tháng 2/2014, bằng niềm đam mê, Minh đã mày mò lên mạng tự học vẽ tranh chân dung bằng bút chì.

Những chấn thương gãy 8 xương sườn và chết 2 đốt sống D9, D10 của Minh đến nay vẫn chưa bình phục, Minh không thể ngồi lâu quá 1 giờ liên tục. Ngắm những tác phẩm Minh vẽ như “Nước mắt mẹ”, người xem không thể không cảm phục bản lĩnh của Minh…

Tương tự, Lưu Xuân Thành (sinh năm 1984, tại Hải Dương), cũng đang vào nghề. 12 tuổi bị tai nạn chấn thương cột sống thắt lưng dẫn đến co cứng cư vận động toàn thân. Năm 2011, Thành tự học vẽ sơn dầu qua các bài dạy vẽ trên Internet. Thành được các cửa hàng tranh ở Hưng Yên thuê vẽ tranh chép.

Tự nhận thấy kỹ thuật vẽ sơn dầu của mình hạn chế, Thành tìm tòi tự học vẽ chân dung bằng chì, than và phóng sức sáng tạo mỗi khi thấy được bức ảnh chụp đẹp. Đến bây giờ, Thành không thể nhớ hết mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung. Các bức tranh của Thành luôn trong veo, rất có hồn.

Thành dồn cảm xúc gửi gắm vào ánh mắt, mái tóc, làn khói trong các nhân vật mà mình diễn tả. Thời gian gần đây, Thành nhận vẽ chân dung thuê để trang trải cuộc sống. Thành giờ đây là niềm tự hào và niềm tin của cả gia đình.

Bốn họa sĩ khuyết tật ấy giờ đây không còn hoạt động độc lập nữa. Họ hợp cùng nhau trong “Khát vọng Ngày Mới” và tham gia dự án hỗ trợ các họa sỹ khuyết tật thuộc nhóm chấn thương cột sống, do Nguyễn Quỳnh Hoa phụ trách. Từng chứng kiến nghị lực của những người khuyết tật khi tham gia dự án triển lãm tranh cho các họa sỹ khuyết tật (năm 2012), Nguyễn Quỳnh Hoa luôn mong muốn được chia sẻ và hỗ trợ được nhiều hơn cho các bạn thuộc nhóm đối tượng thiệt thòi.

Cô chọn đối tượng hỗ trợ khởi đầu là nhóm các bạn bị chấn thương cột sống vì đây là nhóm khuyết tật chịu ảnh hưởng nhiều nhất do mất khả năng vận động, phụ thuộc hoàn toàn vào người trợ giúp.

Họ ít có các cơ hội nghề nghiệp, ít được ra khỏi không gian nhỏ bé của ngôi nhà nên cũng hạn chế rất nhiều các quan hệ xã hội. Ban đầu là hỗ trợ về vật liệu vẽ, sau đó Quỳnh Hoa đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho dự án hỗ trợ người khuyết tật bị chấn thương cột sống.

Hiện là nhà bảo trợ duy nhất cho dự án, Quỳnh Hoa luôn tìm cách giới thiệu dự án và nhóm với cộng đồng. Cô đã tìm đến các phòng tranh xin ký gửi tác phẩm của các thành viên, mở dịch vụ vẽ chân dung theo yêu cầu trên mạng xã hội.

Những nỗ lực của Quỳnh Hoa đã giúp nhóm được biết đến và hiện tại, nhiều khách hàng đã bắt đầu đặt hàng các tác phẩm của nhóm.

Đã có khởi đầu, nhưng hành trình phía trước của nhóm còn rất dài và cần sự hỗ trợ của những Mạnh Thường Quân. Ước mơ của Quỳnh Hoa và các thành viên là dự án có thể lớn mạnh để hỗ trợ được thêm nhiều người khuyết tật.


A.M


Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc
Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và các ban, ngành liên quan tổ chức Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất năm 2014 với chủ đề “Những trái tim khát vọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN