Nhạc sĩ của người khuyết tật

Nổi tiếng với những ca khúc về đề tài người khuyết tật, về thể thao, tiêu biểu là “Chào Para Games Hà Nội” ca khúc chính thức của ASEAN Para Games 2 tổ chức tại Hà Nội. Những bài hát của người thương binh, nhạc sĩ nghiệp dư này được chắt lọc từ những trải nghiệm của bản thân, sự thấu hiểu sẻ chia những tâm tư, tình cảm và mong mỏi của những người cùng cảnh ngộ.

 

Sinh năm 1930 tại Hà Nội, 15 tuổi Nguyễn Đỗ đi theo tiếng gọi của đất nước, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Trong một trận đánh ác liệt tại Xuân Trường, Nam Định, chàng thanh niên 17 tuổi bị thương nặng ở chân. Vết thương nguy hiểm, phải mất 3 tháng, qua nhiều lần phẫu thuật bác sĩ mới tìm thấy viên đạn và cho biết ông sẽ khó lòng đi lại bình thường. Nhưng với thể chất “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, cùng với ý chí mạnh mẽ, chàng trai Hà Nội nhanh chóng hồi phục và tiếp tục tham gia kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông chuyển sang làm công tác tuyên huấn, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tham gia nghiên cứu khoa học kinh tế cho tới khi nghỉ hưu năm 1990.

 

Ông Nguyễn Đỗ.


Nổi tiếng là một nhạc sĩ nghiệp dư tài hoa với những bài hát mang tâm tư, tình cảm của người khuyết tật, nhưng thật bất ngờ khi biết rằng sự nghiệp sáng tác của người thương binh già mới chỉ bắt đầu khi đã ở tuổi ngoài 60. Nguyễn Đỗ chia sẻ về cơ duyên đưa đẩy ông đến với sáng tác ca khúc: “Phần nhiều là vì bản thân vốn yêu âm nhạc, thời trai trẻ cũng ham văn nghệ và hát cũng khá hay. Lúc bấy giờ phong trào ca hát trong thương binh, người khuyết tật rất sôi nổi nhưng không mấy nhạc sĩ sáng tác những bài hát nói lên tâm tư, nguyện vọng của những người như chúng tôi”.


Bằng tình yêu và những cảm thụ âm nhạc vốn có, ông mày mò tự tìm hiểu và bắt đầu sáng tác từ năm 1996. Hai ca khúc đầu tay “Bài ca yêu đời”, “Với em, đêm Hồ Tây” của Nguyễn Đỗ được anh em đồng đội hết sức ủng hộ. Đặc biệt hơn, bài hát “Bài ca yêu đời” ngay khi ra mắt đã được lựa chọn làm bài hát chính thức tại Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 1 và sau đó đoạt Huy chương vàng Liên hoan Giai điệu hòa bình hữu nghị Hà Nội. Ông cũng sáng tác rất nhiều những ca khúc hay, đạt giải cao tại các kỳ Đại hội thể thao của người khuyết tật các năm khác như: “Mùa hè Huế thương”, “Về với Huế xưa”…


Đỉnh cao trong sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đỗ và đưa ông đến gần với công chúng hơn là ca khúc “Chào Para Games Hà Nội”, ca khúc chính thức của ASEAN Para Games 2 tổ chức tại Hà Nội năm 2003. Năm 2010, ca khúc này đã được đưa vào tuyển tập “1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội”.
Trong bài bình tuyển tập ca khúc của Nguyễn Đỗ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã đánh giá về bài hát “Chào Para Games Hà Nội” rằng: “Nguyễn Đỗ bắt đầu quen dần với các thao tác trong sáng tạo ca khúc. Tới ca khúc “Chào Para Games Hà Nội”… dường như ông đã bắt đầu tự tin trong ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình”. Nguyễn Đỗ tâm sự: “Không giống như những bài hát tôi sáng tác về người khuyết tật trước đây, vì đây là bài hát sáng tác cho một kỳ đại hội của ASEAN, mang tính quốc tế nên tôi phải nghiên cứu, học hỏi để tìm ra cái hay, cái đặc biệt để lời bài hát đặc sắc mà vẫn gần gũi, giản dị”.


Bắt đầu sáng tác vào cái tuổi mà sự hăng hái, sức sáng tạo, năng động nhường chỗ cho sự uyên bác, những bài học và những trải nghiệm, bằng sự miệt mài, lao động nghệ thuật nghiêm túc, tới nay gia tài của người nhạc sĩ nghiệp dư này đã lên tới gần 60 bài hát. Ông tỉ mẩn, trau chuốt trong từng con chữ, nốt nhạc để tạo hình hài cho đứa con tinh thần của mình. “Làm nhạc cũng giống như làm báo, viết văn vậy, phải lựa chọn cấu tứ, ngôn từ rất cẩn trọng. Một bài hát chỉ tám đến mười câu thôi nhưng người nhạc sĩ phải lựa chọn những gì là nét riêng, độc đáo nhất, không lặp lại của mình, không sao chép hay vay mượn của người khác. Phải làm sao để thính giả cảm thấy đồng cảm, thấy yêu thích, đó đã là thành công”, là quan niệm trong sáng tạo của Nguyễn Đỗ.


Ngoài âm nhạc, một niềm đam mê lớn khác của ông là thể thao. Thời trai trẻ, từ đá bóng, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, bơi lội ông đều tham gia và thể hiện xuất sắc dẫu đôi chân vận động khó khăn. Nghỉ hưu, ông còn nghiên cứu sản xuất cầu lông để phục vụ tín đồ của môn thể thao này. Từ rất nhiều năm nay, thương hiệu “cầu ông Đỗ” được người chơi cầu lông trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Tình yêu thể thao cũng được ông đưa vào những sáng tác của mình với những bài hát như: “Niềm vui đường cầu”, “Đường đua xanh”… Trong những sáng tác của ông còn có những ca khúc thiếu nhi với giai điệu hồn nhiên, trong trẻo như: “Em vui hát như chim”, “Nhớ ơn thầy cô”, “Quang Trung trường em”…


Trò chuyện với ông tại căn phòng nhỏ trên gác hai đầu phố Trần Nhân Tông, Nguyễn Đỗ say sưa nói về âm nhạc, thể thao - những thú vui mà ông trót đam mê, theo đuổi. Ông khoe bài hát mới nhất về quê hương “Chào Đồng Tân quê em” của mình đầy hào hứng. Ở cái tuổi 84, chúc cho ông luôn mạnh khỏe để cho ra đời thêm nhiều ca khúc lạc quan, yêu đời, tiếp thêm sức mạnh cho người khuyết tật dũng cảm vượt lên số phận và cho cả những người mến mộ âm nhạc Nguyễn Đỗ.


Hà Liên

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN