Thi ca - không gian kết nối xuyên biên giới
Dư âm từ chương trình “Gặp gỡ thi ca Việt – Hàn 2025” trong ngày 18/7 vẫn đang tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng yêu văn học, không chỉ bởi những bài thơ được chia sẻ mà bởi tinh thần gắn kết mà sự kiện hướng tới. Với ba năm tổ chức liên tiếp tại TP Hồ Chí Minh, chuỗi hoạt động này đang từng bước xây dựng một diễn đàn giao lưu bền vững giữa các nhà văn, nhà thơ hai nước, mở rộng vai trò của văn chương trong kết nối văn hóa và đào tạo nhân lực dịch thuật.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, và bà Choi Kyung Ju, Tổng Lãnh sự Đại Hàn dân quốc tại TP Hồ Chí Minh.
Từ những cuộc gặp đầu tiên như “Giao lưu cùng các nhà văn, nhà thơ Pyun Hye-Young, Lê Thiếu Nhơn, Bùi Tiểu Quyên” (2023) hay “Giao lưu văn chương Việt – Hàn trong bối cảnh toàn cầu hóa” (2024), hành trình ba năm đã cho thấy nỗ lực đều đặn trong việc đưa văn học trở thành cầu nối đối thoại nhân văn. Chương trình quy tụ nhiều gương mặt tiêu biểu như Trần Văn Tuấn, Lê Thiếu Nhơn, Khánh Chi (Việt Nam) và Pyun Hye-Young, Choi Eun Young, Ra Hee Duk (Hàn Quốc) - những người không chỉ mang đến tác phẩm, mà còn trao đổi sâu về cách thơ ca phản ánh xã hội, lịch sử và đời sống đương đại.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà văn Bích Ngân khẳng định: “Trong thời đại ranh giới đang mờ dần, văn học là công cụ giao tiếp giàu cảm xúc và giá trị nhân văn. Việc kết nối giữa Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang và Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc đã tạo nên hệ sinh thái hợp tác bền chặt, không chỉ để chia sẻ tác phẩm mà còn cùng nhau đào tạo thế hệ dịch giả trẻ”.
Nhiều tác phẩm thi ca Hàn Quốc - Việt Nam được triển lãm tại chương trình.
Từ góc nhìn văn hóa, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, bà Choi Kyung Ju đánh giá: “Văn học là ngôn ngữ trung gian giữa hai nền văn hóa. Suốt ba thập kỷ quan hệ Việt – Hàn, thơ ca đã là một chất keo đặc biệt để con người hai nước hiểu nhau sâu sắc hơn, từ tâm tư, cảm xúc đến giá trị thẩm mỹ”.
Sự kiện cũng mở rộng hơn vai trò của thơ trong đời sống hôm nay, không chỉ dừng lại ở trình bày cảm xúc cá nhân mà còn là nơi chạm đến những vấn đề chung như chiến tranh, nữ quyền, sự sống và ký ức. Với nhà thơ Ra Hee Duk, TP Hồ Chí Minh là nơi bà đã sáng tác nhiều bài thơ từ trải nghiệm thực tế; còn với nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, thơ là chốn gửi gắm của những cảm xúc bị kìm nén, là không gian được lắng nghe và giải tỏa sâu thẳm nhất.
Dòng chảy mềm của giao lưu và hội nhập
Không thể thiếu trong hành trình kết nối văn học giữa hai quốc gia chính là công tác dịch thuật, công cụ để đưa thơ vượt qua rào cản ngôn ngữ. Dịch giả Nguyễn Thị Hiền, người có nhiều năm gắn bó với văn học Hàn Quốc chia sẻ: “Dịch thơ không đơn giản là chuyển ngữ, mà là một sự sáng tạo lại để giữ được tinh thần, tiết tấu và cảm xúc của bài thơ gốc”.
Dịch thuật cũng là điểm nhấn được đặc biệt quan tâm trong chuỗi chương trình. Từ năm 2023, với sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 workshop đào tạo dịch giả văn học Việt - Hàn. Đồng thời, nhà thơ Ra Hee Duk cũng khởi xướng nhiều cuộc thi dịch thơ dành cho sinh viên Việt Nam yêu mến văn học Hàn, góp phần xây dựng nền tảng nhân lực kế cận.
Là đại diện cho thế hệ các nhà thơ nữ Hàn Quốc đương đại, nhà thơ Ra Hee Duk chia sẻ: “Tôi từng đến Việt Nam 4 lần và mỗi lần là một trải nghiệm khác biệt. TP Hồ Chí Minh mang đến cho tôi cảm xúc đặc biệt và tôi đã viết nhiều bài thơ từ những cảm xúc này: Về chiến tranh, về phụ nữ, về sự sống. Thi ca là cách tôi đối thoại với thế giới”.
Các khách mời không chỉ trao đổi về thi ca mà còn về văn hóa, con người, lịch sử tương đồng của 2 nước.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, đại diện cho các nữ thi sĩ của Việt Nam, bộc bạch sự trăn trở: “Trong nhịp sống hiện đại, thơ đôi khi trở nên lạc lõng, khó nuôi dưỡng. Tôi bắt đầu viết từ năm 6 tuổi, nhưng nhiều lúc vẫn lo sợ không thể thể hiện trọn vẹn suy nghĩ. Là phụ nữ Việt, nhiều cảm xúc bị dồn nén và thơ chính là nơi tôi gửi gắm tất cả”.
Công chúng quan tâm tìm hiểu các tác phẩm văn học Hàn Quốc.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng thừa nhận, tuy văn xuôi Hàn Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ, vươn tầm thế giới với giải Nobel nhưng thi ca của hai nước có nhiều nét đồng điệu. Nhưng để thi ca Việt - Hàn thật sự hiểu nhau và đến gần công chúng, cần làm nhiều hơn nữa: “Hiện các hoạt động vẫn ở mức xã giao. Chúng ta cần chọn những tác giả tiêu biểu, dịch tuyển tập đầy đủ chứ không phải chỉ một bài mỗi người. Phải có đội ngũ dịch giả trẻ kế thừa thì mới có thể kết nối thật sự”.
Một tín hiệu tích cực là từ năm 2023 đến nay, nhờ tài trợ của Hàn Quốc, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 4 workshop đào tạo dịch giả văn học Việt - Hàn. Đồng thời, theo nhà thơ Ra Hee Duk, bà cũng đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam, đặc biệt là các cuộc thi dịch dành cho sinh viên yêu thích văn học Hàn Quốc, cho thấy nền tảng nhân lực đang được ươm mầm.
Dịch giả trẻ Phan Ngọc Minh Quyên khẳng định: “Là người dịch, tôi luôn tâm niệm tác phẩm không chỉ là từ ngữ mà là cầu nối giữa tâm hồn hai quốc gia. Tôi mong rằng trong tương lai, sẽ có nhiều tác phẩm Việt được dịch sang Hàn và ngược lại để bạn đọc hiểu và cảm được tâm tư, tinh thần của nhau”.
Nhà thơ Trần Hường thể hiện tác phẩm viết về Hàn Quốc.
Thi ca dù không ồn ào vẫn là dòng chảy mềm mại đưa con người các quốc gia xích lại gần nhau. Sự kiện “Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn 2025” không chỉ tiếp nối hành trình giao lưu văn học giữa hai nước, mà còn mở ra một cánh cửa mới, nơi những tâm hồn yêu thi ca - dù cách biệt địa lý, văn hóa hay thế hệ vẫn có thể tìm được điểm chung trong cảm xúc và khát vọng sáng tạo. Đó cũng là con đường thiết thực để văn học Việt vươn ra thế giới và tiếp nhận tinh hoa nhân loại một cách sâu sắc, đầy tính nhân văn.