Nhiều mô hình hay triển khai quy tắc ứng xử trên địa bàn Hà Nội

Sau gần 2 năm triển khai bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, nhận thức, hành vi của người dân ít nhiều đã được thay đổi, nhiều mô hình hay đã xuất hiện. Song vẫn còn không ít nơi triển khai một cách hình thức, vẫn còn công chức vi phạm...

Chú thích ảnh
Con đường hoa thôn Lan Trì, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh mới hình thành từ việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng. 

Nhiều mô hình hay

Dù là xã ven đô, chịu không ít tác động của quá trình đô thị hóa song xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, vẫn giữ được sự yên bình của một làng quê. Đường vào các thôn giờ đây là những con đường hoa rực rỡ sắc màu.

Bà Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết, đây là thành quả của đề án “Đẹp” tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, trong khu dân cư mà xã đang triển khai. Mỗi thôn chọn một đoạn đường tối thiểu 100 mét để trồng hoa tại các đường vào thôn, đường vào nhà văn hóa. Nếu không có đất trồng có thể sử dụng các đồ tái chế như lốp xe, chậu nhựa, chai lọ để trang trí, sau đó đổ đất trồng hoa, cây cảnh.

Các thôn cũng lựa chọn một ngõ để thực hiện điểm tường có hoa, cổng nhà có hoa tối thiểu 100 mét. Phong trào lan tỏa khắp xã, người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để làm đẹp cho các con đường trong thôn.

Đến nay, thôn Lan Trì hình thành đoạn đường 150 mét với các sắc màu của các loài hoa: Thanh táo, mười giờ, bóng nước từ cổng thôn đến nhà văn hóa. Thôn Sằn hình thành đường hoa từ đường Đào Duy Tùng vào thôn dài 150 mét với sắc màu  của hoa hồng, thanh táo, ngũ sắc, mười giờ. Thôn Mít với con đường hoa dài 220 mét từ cổng thôn đến trạm điện với hoa dừa cạn, ngọc trai, bảy sắc cầu vồng...

Toàn xã có tới 10 con đường hoa như vậy. Sự đón nhận các bộ Quy tắc ứng xử để hình thành nét văn minh, thanh lịch của người Cổ Loa không chỉ là những hành vi, lời nói mà còn là sự ứng xử với môi trường xã hội, cộng đồng xung quanh.

Chú thích ảnh
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết tại đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. 

Sau hai năm đưa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn, không thể phủ nhận những cố gắng và những bước chuyển của các địa phương, sở, ngành trong triển khai tới cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư.

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Hầu hết các hộ dân, các cán bộ, công chức trên toàn thành phố đều được tiếp cận với Quy tắc ứng xử từ việc phát tờ rơi, tọa đàm, tuyên truyền trên hệ thống thông tin, treo bảng biển về Quy tắc ứng xử. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt được các địa phương, cơ quan, đơn vị áp dụng hiệu quả.

Có thể kể đến, việc mở chuyên trang “Văn minh - thanh lịch” trên Cổng thông tin điện tử, lồng ghép in Quy tắc ứng xử vào tờ rơi quảng bá điểm đến tham quan của quận Thanh Xuân; bổ sung Quy tắc ứng xử vào Quy ước tổ dân phố, các phong trào thi đua của quận Bắc Từ Liêm…

Tất cả các công sở đều được treo Quy tắc ứng xử tại khu vực một cửa, các phòng, ban, thậm chí được in thành các bảng khổ giấy nhỏ yêu cầu cán bộ, công chức đặt tại bàn làm việc. Các điểm công cộng như: Di tích, vườn hoa, nhà văn hóa, bảng tin tổ dân phố, khu vui chơi giải trí… đều được treo biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Không ít nơi còn hình thức

Dù việc triển khai Quy tắc ứng xử có sự quan tâm nhất định, nhưng không ít nơi triển khai hình thức, nhiều người còn thờ ơ trong việc tiếp nhận, thậm chí vi phạm. Đây cũng là vấn đề ngành văn hóa và các cơ quan liên quan đang thực sự băn khoăn, bởi đó là những nút thắt trong quá trình làm chuyển biến nhận thức, hành động của công chức, cũng như người dân. Không ít nơi triển khai Quy tắc ứng xử còn mang tính hình thức, chưa có những sáng tạo để mang lại hiệu quả tốt.

Chú thích ảnh
Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức Hà Nội được niêm yết tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thừa nhận, việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa sâu, chưa có điểm nhấn và chưa thành phong trào chuyên biệt, thiếu tuyên truyền trực quan ở nơi công cộng. Việc triển khai Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức còn thiếu đôn đốc, kiểm tra trong cơ quan, đơn vị, cơ sở; việc tổ chức vệ sinh môi trường tại khu dân cư, nơi công cộng chưa thường xuyên, sạch sẽ.

Cũng tại huyện Đông Anh, bên cạnh những nơi làm tốt vẫn còn những nơi triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử mang tính hình thức. Điển hình như tại nhà văn hóa thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, bảng niêm yết Quy tắc ứng xử lắp đặt ở cuối phòng, cùng chỗ với nơi chồng xếp bàn ghế, biển quảng cáo kém trang trọng, ít được người dân quan tâm. Tại đình làng Tó, xã Uy Nỗ, bộ Quy tắc ứng xử được dán bằng băng dính lên cửa đình, thiếu thẩm mĩ, chưa phù hợp với không gian văn hóa.

Ngay tại các cơ quan, công sở trên địa bàn các quận, huyện, Quy tắc ứng xử in chữ nhỏ, khổ nhỏ hoặc treo ở vị trí không phù hợp, chưa tạo ấn tượng cho công chức và người dân đến làm việc. Đáng nói, nhiều cán bộ, công chức còn chưa ý thức thực hiện tốt các quy định trong Quy tắc ứng xử. Chính vì vậy mới xảy ra các trường hợp cán bộ bộ phận một cửa có thái độ ứng xử không phù hợp với công dân, hoặc cán bộ còn chểnh mảng trong công việc.

Vừa qua, quận Thanh Xuân đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện 6 cán bộ, công chức, người lao động không chấp hành đúng giờ giấc làm việc, đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, hạ bậc thi đua, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ của tháng.

Tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Lưu Ngọc Hà cũng thừa nhận, còn tồn tại một số cán bộ, công chức, người lao động đi làm muộn, không dự chào cờ đầu tuần, chưa giữ môi trường làm việc sạch sẽ, còn hiện tượng hút thuốc lá và phát ngôn tùy tiện.

Khắc phục tình trạng này và để hai bộ Quy tắc ứng xử được thực hiện một cách "sâu rễ bền gốc", thành phố Hà Nội thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ và kiểm tra định kỳ việc triển khai Quy tắc ứng xử tại các quận, huyện, thị xã, sở, ngành.

Bên cạnh việc tuyên truyền mang tính lâu dài, công tác kiểm tra, giám sát đang được tiến hành để nhân rộng các điển hình tốt và kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả thực sự.

Bài và ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)
Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm hình thành chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội
Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm hình thành chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội

Ngày 3/10, vòng chung khảo cấp thành phố của Hội thi "Tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN