Hà Nội nâng cao tính tự giác trong thực hiện ứng xử nơi công cộng

Trong triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả do phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng lớn hơn và gần với đời sống người dân.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại 4 địa bàn dân cư ở quận Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức cho thấy vẫn còn nhiều bất cập xảy ra, đòi hỏi công tác tuyên truyền cần thường xuyên, bền bỉ để nâng cao tính tự giác của người dân.

 

Còn nhiều tồn tại

 

Chú thích ảnh
Người dân khu dân cư số 4 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nghiên cứu Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

 

Tổ dân phố số 34, phường Xuân La, quận Tây Hồ vốn là địa bàn thực hiện khá tốt các phong trào liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của địa phương. Người dân chú trọng đến làm đẹp cảnh quan môi trường bằng việc trồng hoa, cây cảnh ở nhiều khu vực công cộng, lắp giá treo cờ theo một mẫu nhất định tại các gia đình, tình trạng mang bếp than ra đường đun đã được cải thiện…

 

Tuy vậy, tình trạng thả rông vật nuôi vốn được quản lý tốt một thời gian nay lại tái diễn, vừa gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh, vừa ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Mặc dù tình trạng vứt rác thải ra đường đã được hạn chế song nhiều thời điểm, người dân vẫn chưa ý thức cao, còn vứt rác ở nhiều nơi trong khu dân cư.

 

Tương tự như vậy, tại tổ dân phố số 5, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), dù việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã đạt được hiệu quả nhất định, song vẫn còn không ít bất cập. Bởi người dân sống tại đây cho rằng, việc đổ rác không đúng quy định vẫn diễn ra gây mất vệ sinh chung; tình trạng vi phạm Luật Giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm thường xuyên xuất hiện trên đường; thái độ sống thờ ơ vẫn phổ biến.

 

Ông Đỗ Lưu Hồng, Hội Người cao tuổi của tổ dân phố cho biết, nhiều người ngại đi đổ rác xa, đã vun thành nhiều đống và đốt rác gây ảnh hưởng tới người dân xung quanh. Vào mùa thu hoạch, nhiều hộ dân phơi rơm rạ trên đường ảnh hưởng tới việc đi lại của các phương tiện giao thông. Thậm chí, khi phơi xong họ không dọn kỹ, lại trở thành rác trên đường.

 

Đây cũng là tình trạng chung ở rất nhiều các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội. Nhìn chung, ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực; bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn chưa được hạn chế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là, công tác tuyên truyền chưa phủ khắp toàn thành phố, nội dung tuyên truyền chưa sinh động, chưa tạo được ấn tượng về nội dung Quy tắc ứng xử tới nhân dân Thủ đô.

 

Thành phố cũng chưa có giải pháp hiệu quả để hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hơn nữa, Quy tắc ứng xử quy định chuẩn mực ứng xử chung nhưng nhận thức và thói quen phụ thuộc vào từng cá nhân, để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ và lâu dài.

 

Nâng cao tính tự giác của người dân

 

Dù xác định việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng là một nhiệm vụ lâu dài và bền bỉ nhằm nâng cao ý thức, tính tự giác của người dân song ngành văn hóa Hà Nội cũng đang rốt ráo tuyên truyền, vận động bằng nhiều giải pháp.

 

Không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà bản thân người dân cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân tại các khu dân cư, qua đó nâng cao ý thức người dân, nhất là thế hệ trẻ. Chị Đào Thị Hằng, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố số 5, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho rằng: Muốn giáo dục trẻ nhỏ, trước tiên người lớn phải nêu gương, Quy tắc ứng xử cần được thực hiện đồng bộ từ gia đình đến nhà trường mới “thấm” dần vào đời sống. Các địa phương cũng cần có hình thức biểu dương gia đình thực hiện tốt và nhắc nhở những trường hợp chưa tốt, khen thưởng, nêu gương các tập thể, cá nhân có ý thức tuyên truyền, vận động, lan tỏa quy tắc ứng xử.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân định trách nhiệm tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung trong Quy tắc ứng xử cho từng đoàn thể phụ trách. Đoàn thanh niên đảm nhiệm việc xây dựng văn hóa giao thông, Hội Phụ nữ phụ trách vấn đề về vệ sinh môi trường, Hội người cao tuổi nêu gương cho con cháu trong chấp hành quy tắc ứng xử tại địa phương… Cùng với đó cần áp dụng các chế tài xử lý nghiêm những vi phạm trong quy tắc ứng xử nơi công cộng, để kịp thời răn đe, nâng cao ý thức người dân.

 

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, để thực hiện việc triển khai có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn, thời gian tới, ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động. Đó là việc lồng ghép nội dung Quy tắc ứng xử vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học phổ thông; tuyên truyền trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng; lồng ghép tuyên truyền ứng xử khi tham gia giao thông trên các loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông; tuyên truyền bảng biển tại các các bến xe, nhà ga, trên xe buýt, xe khách về nội dung ứng xử tại nhà ga, bến ô tô, bến tàu.

 

Ngành văn hóa cũng xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi tìm hiểu về Quy tắc ứng xử từ thành phố đến cơ sở; bổ sung tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào bình xét các danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa. Ông Tô Văn Động còn cho biết, trong quá trình triển khai sẽ nêu gương những điển hình tốt, phê bình những cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử trái với Quy tắc ứng xử nơi công cộng và có hình thức xử lý kịp thời đối với những cá nhân cố tình vi phạm. Có như vậy mới kỳ vọng từng bước thay đổi ý thức người dân trong ứng xử văn minh với môi trường và cộng đồng xung quanh.

 

Bài và ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)
Xây dựng văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh người Hà Nội qua cuộc thi ảnh
Xây dựng văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh người Hà Nội qua cuộc thi ảnh

Sáng 19/5, Cuộc thi ảnh "Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh 2018" được Báo Hà Nội Mới phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chính thức phát động, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là hai bộ Quy tắc ứng xử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN