Tiến sĩ Đào Minh Hồng cho rằng, nhiều người đang nhầm lẫn giữa cái tôi bản năng của mình với ý thức của một công dân nơi công cộng. "Tại sao học sinh tiểu học không vứt rác bừa bãi, nhưng lên cấp 2 nếu không có sự nhắc nhở và trừng phạt thì học sinh lại không tuân thủ và lên tới cấp 3, những bạn trẻ này lại càng muốn thể hiện cái tôi của mình hơn và muốn thử thách lại với cái quy định chung đó và lên đến đại học các bạn lại nghĩ rằng mình là một cá thể độc lập. Tôi cho rằng chính các trường đại học phải là nơi rèn, hình thành cho các bạn ứng xử thói quen nơi công cộng”, Tiến sĩ Đào Minh Hồng đề xuất.
Sau những hoạt động lễ hội diễn ra nơi công cộng, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác được xả bừa bãi khắp nơi. |
Đồng quan điểm, anh Trương Thế Cường, Uỷ viên Ban thường vụ quận Đoàn quận 6, cũng cho rằng: “Việc giáo dục văn hoá ứng xử nơi công cộng ở bậc mầm non, tiểu học rất tốt nhưng lên tới cấp 2, cấp 3 việc đó lại bị hạn chế. Nếu như chúng ta cam kết duy trì được từ bậc mầm non lên đến đại học là rất tốt. Bên cạnh đó, việc giáo dục văn hoá nơi công cộng cũng đòi hỏi sự giáo dục từ phía gia đình”.
Cô Phan Thuỵ Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, cho biết các học sinh hiện nay đang thể hiện cá tính một cách không đúng đắn. "Trước đây, những xích mích trong học sinh chỉ là những chuyện bình thường, tranh luận để tìm ra các sai để tập nói tiếng xin lỗi, nhưng hiện nay những xích mích không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà nó vượt ra ngoài xã hội", cô Thu cho biết.
Ý thức văn hoá nơi công cộng cần phải được thực hiện một cách thường xuyên trong giới trẻ. |
Bàn về vấn đề văn hoá nơi công cộng, Tiến sĩ Hồng cho rằng, nếu muốn có văn hoá công cộng thì phải có nguyên tắc và luật lệ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan, ban ngành đang thiếu sự liên kết, không liên kết được với nhau để đưa ra những chuẩn mực giá trị chung. Chính những điều đó làm cho không gian văn hoá công cộng còn lộn xộn.
“Tại sao người Việt khi đi du lịch nước ngoài lại tuân thủ nguyên tắc rất tốt nhưng khi quay về nhà thì lại tuỳ tiện và khá luộm thuộm, bởi người Việt khi ra nước ngoài sợ bị phạt nặng nên tuân thủ rất tốt. Bản chất của người phương Đông chỉ thực hiện tuân thủ nguyên tắc khi bị trừng phạt. Thế nhưng, chúng ta lại không dám đưa ra những nguyên tắc phạt rõ ràng ở những không gian công cộng”, Tiến sĩ Hồng chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Hồng cho biết, để thực hiện được ý thức văn hoá nơi công cộng, cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, phải đi từ điều nhỏ nhất nhưng kiên trì, bỏ tính phong trào và hãy biến nó thành hoạt động đương nhiên của cuộc sống và cuối cùng mỗi đoàn viên thanh niên hãy là những người thật dũng cảm.
Nhà văn Phương Huyền cũng cho biết: "Hiện đã có những quy định xử phạt nhưng thiếu công cụ theo dõi và xử phạt. Việc thực thi có vẻ cũng chỉ trên giấy. Do đó, cần phải xử phạt thật nghiêm hơn. Đồng thời tăng cường lực lượng theo dõi và quản lý các hành vi vi phạm".
Anh Trương Thế Cường cũng cho rằng, cần phải tuyên truyền những nguyên tắc ở nơi công cộng. Những thông tin quy định cần phải được nhắc nhở thường xuyên, nếu quy định được nhắc đi nhắc lại và tuyên truyền thường xuyên thì nó sẽ thành thói quen giúp cho những người tham gia nơi công cộng tuân thủ theo.
Bà Thân Thị Thư, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, có thể thấy sự phát triển về văn hoá của thành phố chưa tương xứng với sự phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận, phản ánh được rất nhiều vấn đề đang diễn ra thực tế trong cuộc sống của các bạn trẻ như ứng xử của các bạn trẻ đối với các trào lưu trên mạng xã hội; vấn đề xả rác nơi công cộng; văn hoá xếp hàng của giới trẻ nơi công cộng; văn hoá ứng xử trong nhà trường, nơi làm việc…
Theo đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để hình thành văn hoá ứng xử nơi công cộng trong giới trẻ thì cần phải được tiến hành ở tất cả các cấp học, bậc học, có phương pháp và thật kiên trì mới có hiệu quả. Hơn hết, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, các trường ở Việt Nam cần phải có một bộ quy tắc ứng xử chung để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.