Những hiện vật đủ chủng loại, từ dụng cụ sản xuất, đồ sinh hoạt hằng ngày đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay… được ông Phúc sưu tầm, trưng bày một cách bài bản đã biến ngôi nhà thành một “bảo tàng” thu nhỏ.
Ông Phúc kể, từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê với văn hóa của đồng bào dân tộc mình. Ông thường nghe cha mẹ và ông bà kể về những câu chuyện, tập tục, lễ hội của người Thái. Ông thích nghe những bài hát, bản nhạc, những tiếng khua luống của người Thái. Thế nhưng, khi cuộc sống càng hiện đại, những nét văn hóa ngày càng phai nhạt. Đau đáu về nỗi lo bản sắc văn hóa của đồng bào mình dần bị mai một, ông Phúc miệt mài sưu tầm những cổ vật, vật dụng gắn liền với đời sống, văn hóa dân tộc Thái.
Trong hơn 30 năm sưu tầm, ông đã đi khắp nơi, mỗi khi đến vùng đồng bào Thái cổ có vật dụng ưng ý, ông đều đến hỏi mua. Biết được ý định tốt đẹp của ông, nhiều người đã chủ động tặng ông thay vì bán. Trong căn nhà sàn hơn 300m2, ông Phúc trưng bày kín các hiện vật, được sắp xếp thành nhiều nhóm khác nhau, theo chức năng và ý nghĩa của chúng một cách khoa học.
Dưới tầng trệt của nhà sàn, ông Phúc trưng bày hầu hết các hiện vật sử dụng trong sản xuất, đời sống. Du khách sẽ choáng ngợp bởi sự đa dạng, phong phú của các hiện vật mà ông sưu tầm. Trong đó, nhiều hiện vật có kích thước rất lớn như chiếc thuyền độc mộc nguyên khối dài gần 10m, bộ khung cửi và chiếc quay tơ… Đặc biệt là hai bộ cửa gỗ nguyên khối được điêu khắc hình các con vật liên quan đến đời sống của người Thái rất độc đáo, hàng trăm năm tuổi. Ông Phúc là người sở hữu 5 bộ chiêng cổ của người dân tộc Thái.
Ngay dọc đường lên cầu thang tầng hai, những chiếc ghế dài làm bằng gỗ được ông Phúc xếp dọc lối đi, bên trên ghế được chạm khắc hoa văn khá tỉ mỉ. Tầng hai được ông thiết kế để trưng bày những hiện vật có kích thước nhỏ hơn. Những hiện vật quý hiếm, có giá trị văn hóa, dễ hư hỏng như trang phục xưa, các vật dụng sử dụng trong tế lễ hay những cuốn văn tự cổ được giữ trong tủ kính rất cẩn thận. Một góc nhỏ cuối gian nhà được ông bố trí thành không gian bếp của người Thái xưa với đầy đủ các vật dụng cần thiết.
Anh Phan Ngọc, du khách từ thành phố Vinh cho biết, khi vào tham quan, anh rất ngạc nhiên với số lượng các hiện vật mà ông Phúc sưu tầm được. Nhiều hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm được ông lưu giữ rất cẩn thận. Không chỉ có những nông cụ từ xa xưa mà có những bộ trang phục, dụng cụ tế lễ hay những cuốn sách chữ Thái cổ được ông trưng bày khá khoa học. Thông qua các hiện vật, người xem có thể hình dung đầy đủ cuộc sống, những nét văn hóa người dân tộc Thái từ xa xưa, trong đó có cả những tầng lớp nông dân hay tầng lớp giàu có lúc bấy giờ.
Không chỉ sưu tầm, ông Phúc còn có kiến thức rất sâu về các hiện vật. Thấy chúng tôi tò mò về chiếc luống giã gạo, ông Phúc giới thiệu ngay: “Trong quá trình giã gạo, để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thỉnh thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau mà tiếng kêu phát ra nghe vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành một loại hình diễn xướng dân gian được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày cưới...”
Ông Phúc tâm sự: “Tiếc nhất hiện nay những hiện vật sử dụng trong các hoạt động tâm linh hoặc các cuốn văn tự cổ ghi chép về tập tục của đồng bào Thái, đặc biệt là trong ma chay, cưới hỏi… còn rất ít. Bây giờ, nhiều bộ phận người Thái trẻ đã không còn biết nói tiếng Thái cũng như không biết chữ viết của đồng bào mình. Vì thế mà hàng năm, trong các dịp họp họ, tôi luôn nhắc nhở các con, khi về nhà cố gắng phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái. Hi vọng trong tương lai, ngôi nhà sàn của tôi sẽ là nơi thế hệ trẻ con em người Thái, khách thập phương có thể hiểu được phần nào nét văn văn hóa của dân tộc Thái”.
Ông Phan Anh Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Con Cuông cho biết, đồng bào dân tộc Thái chiếm đến 72% dân số toàn huyện, do đó văn hóa của người Thái rất đậm nét. Bộ sưu tập của ông Phúc chính là “bảo tàng vô giá” đối với đồng bào người Thái nói riêng, nhân dân trong vùng nói chung. Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc trong đó có dân tộc Thái luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Toàn huyện hiện đã xây dựng được 32 câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thái, trong đó có một câu lạc bộ cấp huyện.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, trong chiến lược xây dựng Con Cuông trở thành đô thị sinh thái, cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã có quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực giúp bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Thái nói riêng.