Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng Đồng bằng Bắc bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt.
Du khách thập phương thành tâm dâng hương lễ Mẫu tại Phủ Dầy. Ảnh: Quý Trung-TTXVN |
Điểm đặc trưng của lễ hội là các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước đuốc, rước thỉnh kinh, hội hoa trượng… phản ánh phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian và thẩm mỹ của cộng đồng.
Chầu văn hầu đồng là một nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất của đạo Mẫu, diễn ra trong không gian thiêng của hệ thống điện thờ thánh Mẫu và các đức Thánh Trần. Đây là di sản văn hóa phi vật thể tổng hợp nhiều giá trị của các loại hình văn hóa dân gian như tín ngưỡng truyền khẩu, nghề thủ công truyền thống, trình diễn (diễn xướng) dân gian…
Phủ Dầy là trung tâm của tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, nghi lễ chầu văn và lễ hội Phủ Dầy là hai di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với không gian quần thể này. Trong quá trình tồn tại và phát triển, nghi lễ chầu văn đã trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu.
Tỉnh Nam Định là địa phương đầu tiên đưa nghệ thuật dân gian truyền thống này lên sân khấu phục vụ trong kháng chiến chống Mỹ tại các chiến trường miền Nam và lên sóng đài tiếng nói Việt Nam từ những năm 60, với những lời hát, làn điệu ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ…
Nghi lễ chầu văn do cộng đồng người Việt sáng tạo trước hết là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tinh thần, là sản phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên xã hội của các cư dân nông nghiệp lúa nước, phản ánh quan điểm, tâm tư tình cảm, ứng xử với điều kiện sống và môi trường tự nhiên xung quanh.
Đó còn là sự tích hợp, tổng hợp các hình thức văn hóa dân gian bản địa khác như âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục truyền thống cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực… tạo nên một hình thức sân khấu tâm linh, thiêng liêng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ chầu văn hầu đồng phản ánh sự đa dạng hóa và thể hiện khả năng tích hợp văn hóa với các hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Có lẽ ít thấy một hình thức tín ngưỡng tôn giáo nào của người Việt thể hiện sự đa dạng tín ngưỡng địa phương, đa dạng các dân tộc như trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt.
Trong điện thần Tứ phủ, từ Thánh Mẫu đến các hàng quan, làng chầu, ông Hoàng và các Cô, các Cậu đều là các vị thần linh có nguồn gốc từ các dân tộc khác nhau như: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao…thể hiện mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc anh em.
Hiện nay, nghi lễ chầu văn không chỉ diễn ra ở các di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần và một số di tích khác mà còn được sáng tạo, cải biên với các hình thức biểu diễn trên sân khấu trong các cuộc thi, các hoạt động văn hóa quần chúng.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, nghi lễ chầu văn một mặt vừa được bảo tồn nguyên gốc các giá trị truyền thống, vừa được cộng đồng tái tạo các giá trị văn hóa mới để thích ứng với điều kiện cuộc sống.
Nghi lễ chầu văn - hầu đồng diễn ra quanh năm tại nhiều nơi, song tại Phủ Dầy phải kể đến hai hoạt động nổi bật đó là nghi thức “Rước thỉnh Kinh” và “Hoa trượng hội”. Đây là hai trong số nhiều đặc trưng đem lại sự khác biệt của Phủ Dầy so với các điểm thờ Mẫu khác.
Đoàn rước trong lễ hội Phủ Dày. Ảnh: Minh Quyết -TTXVN |
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư, nguồn gốc của lễ rước thỉnh Kinh (rước kiệu Mẫu) bắt nguồn từ hành trạng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ rước dẫn đầu là hàng trăm cụ già rước kiệu và cờ phướn, vừa đi vừa tụng kinh niệm phật; tiếp đến hàng trăm người cầm cờ hội, rồi đến đội kèn trống, bát âm, các nữ thanh đồng và chấp kích bát bảo.
Kế sau là xe tay chở vị hòa thượng chùa Tiên Hương hoặc chùa Vân Cát mặc trang phục nhà Phật, tay cầm cành phan, tay lần tràng hạt, tiếp đến là kiệu bát cống đặt bát hương, kiệu long đình để lấy kinh và ba kiệu võng, mỗi kiệu có tám người khiêng và xe tay chở các vị cao niên, chức sắc trong hàng huyện, tổng cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Hội Hoa trượng (hay còn gọi là hội kéo chữ) cũng là một hoạt động văn hóa đặc trưng khác tại lễ hội Phủ Dày. Tương truyền hội kéo chữ do thái phi Trần Thị Ngọc Đài, người làng Thông Khê (xã Cộng Hòa) khởi xướng. Bà vốn chịu ơn cầu tự ở Phủ Dầy, lại có công giúp dân nghèo huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định) hoãn đi phu đắp đê sông Nhị bị vỡ vào khoảng năm 1630 - 1632 tại kinh thành.
Theo thông lệ, mỗi làng sẽ chọn từ 20 - 30 thanh niên, trang phục đầu cuốn khăn đỏ, áo vàng, bụng cũng thắt khăn đỏ, áo vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng bốn mét, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà.
Chữ được xếp thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào kết quả của việc xin lễ âm dương tại Phủ Thông (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản), một nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh và thái phi Trần Thị Ngọc Đài.
Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”…, đều mang những ý nghĩa tinh thần tốt đẹp của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa hoặc ngợi ca công đức của Thánh Mẫu.
Trong lễ hội Phủ Dầy còn diễn ra một nghi thức đặc biệt khác là nghi lễ rước đuốc vào tối 5/3 âm lịch. Lửa trong quan niệm dân gian là yếu tố cầu may, mang lại sự ấm no hạnh phúc. Theo người dân nơi đây, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi những gì đen tối, đem lại sự may mắn sinh sôi.
Nghi thức rước đuốc được tổ chức vào buổi tối giữa không gian làng quê Bắc bộ tạo thành một hình ảnh đẹp biểu tượng cho niềm tin, hy vọng vào những điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống của cư dân. Trải qua nhiều thế hệ, các nghi thức và phong tục dân gian mang đậm giá trị truyền thống trong lễ hội Phủ Dầy đã được bồi đắp, lưu giữ, kết tinh, hội tụ và lan tỏa rộng khắp ra các vùng miền trên toàn quốc.
Hiền Hạnh (TTXVN)