Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Lào ở Điện Biên

Nằm yên bình bên dòng Nậm Núa, bản Na Sang 1 và 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống của gần 200 hộ đồng bào dân tộc Lào. Hiện nay, cộng đồng người dân tộc Lào ở Na Sang vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Lào truyền dạy nghề dệt vải thổ cẩm cho thế hệ trẻ. 

Ban đầu, người dân chỉ dệt trang phục cho bản thân. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt không chỉ là bản sắc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều phụ nữ ở đây đã cùng nhau gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.

Đồng bào Lào ở Na Sang chủ yếu dệt thổ cẩm vào những lúc nông nhàn, sau những vụ mùa bận rộn. Để có được tấm vải thổ cẩm hoàn hảo, những người phụ nữ với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, phải trải qua nhiều công đoạn từ trồng cây bông, thu hoạch bông đến tách hạt sợi bông, sau đó bỏ bông vào quay rồi ngâm trong nước gạo, tới khi sợi bông thật dai mới vớt ra cho vào máy quay se thành sợi. Cuối cùng, những bó sợi này được đi qua phiến để kéo thành sợi rồi nhuộm màu bằng các loại cây trên rừng, sau đó mới đến công đoạn dệt để tạo ra những tấm vải nhiều màu sắc với những họa tiết, hoa văn hết sức đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào.

Bà Lường Thị Un ở bản Na Sang 1 là người đã có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, theo bà Un, nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ. Trong khâu dệt, ban đầu bà phải tập dệt trơn, sau đó mới dệt các loại hoa văn cầu kỳ. Một người mới học cho đến khi biết dệt cơ bản phải mất ít nhất 3 tháng, dệt khoảng 1 năm mới thạo nghề. Trong dệt thổ cẩm của người dân tộc Lào, dệt chân váy là khó nhất. Để có một tấm thổ cẩm đẹp với nhiều loại hoa văn rực rỡ, một phụ nữ Lào phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng mới hoàn thành.

Trang phục thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Lào bao gồm: áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng. Tất cả đều bằng vải nhuộm chàm, được thêu nhiều họa tiết hoa văn như hình con voi, con rồng, con chim công, các loại hoa lá… với nhiều màu chỉ, kết hợp khéo léo các sắc màu để nổi bật hoa văn. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Lào đều là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết trên trang phục còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng trang phục.

Chị Lò Thị Viên, bản Na Sang 2 cho biết, từ xưa, người dân tộc Lào quan niệm phụ nữ phải biết dệt vải, nếu không biết dệt vải thì sẽ không lấy được chồng. Bởi vậy, người con gái trước khi muốn đi lấy chồng phải biết dệt để sau khi xây dựng gia đình có thể tự tay dệt trang phục cho chồng, cho con. Nhiều cô gái Lào đã được các bà, các mẹ truyền dạy kiến thức nghề dệt từ khi còn nhỏ. Tới khi lớn tuổi, không dệt vải được nữa, họ lại tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, nghề dệt thổ cẩm đã được giữ gìn, bảo tồn, trở thành nghề truyền thống của dân tộc Lào.

Hiện nay, nhiều nghệ nhân dệt thủ công truyền thống ở Na Sang đã lớn tuổi. Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, nhiều người có kinh nghiệm dệt lâu năm trong bản đã và đang tiến hành truyền dạy cho con cháu, với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc, để đưa các sản phẩm dệt thủ công của người Lào nơi đây trở thành một sản phẩm có thương hiệu.

Chị Hoàng Yến Vy, bản Na Sang 1 chia sẻ, trang phục của dân tộc Lào rất đẹp, nhiều màu sắc, thể hiện được đặc trưng văn hóa. Bởi vậy, thế hệ trẻ như chị cố gắng tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà các bậc cao niên trong bản truyền dạy, với mong muốn giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống và tạo thu nhập cho người dân có thể sống, gắn bó được với nghề.

Chú thích ảnh
Hoa văn đặc trưng trên thổ cẩm Lào.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam Trần Phương Nam, để tạo điều kiện giữ gìn và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của người dân tộc Lào, chính quyền xã Núa Ngam đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang quy tụ những người biết dệt thổ cẩm trong bản để cùng nhau tạo ra các sản phẩm thổ cẩm Lào đa dạng, bắt mắt và tìm nguồn tiêu thụ. Từ đó, giá trị sản phẩm dệt được nâng lên, một số cơ sở kinh doanh cũng đã tìm đến bản Na Sang để đặt hàng. Thế nhưng, các sản phẩm dệt ở Na Sang vẫn chưa xây dựng được thương hiệu để nhiều nơi trên cả nước biết đến.

Chính quyền xã Núa Ngam đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở Na Sang trở thành sản phẩm OCOP, qua đó góp phần khuyến khích, vận động bà con phát huy nghề dệt truyền thống lâu đời. Đặc biệt, tháng 4/2024 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 952/QÐ-BVHTTDL công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Lào huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Điều này đã góp phần cổ vũ, động viên người dân tộc Lào thêm tự hào, yêu văn hóa truyền thống, cũng như trang phục truyền thống; ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp riêng có của dân tộc mình, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở Na Sang vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Thế nhưng, người dân vẫn chủ yếu dệt lúc nông nhàn, bởi vậy, để trở thành một thương hiệu sản phẩm tạo nên nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây, các cấp, ngành địa phương cần có những cơ chế quan tâm hơn nữa nhằm tạo thương hiệu cho làng nghề, để sản phẩm dệt thủ công của đồng bào Lào ở Na Sang nói riêng và các sản phẩm thủ công của các cộng đồng dân tộc ở Điện Biên nói chung sẽ trở thành những điểm nhấn đối với du khách khi đến với mảnh đất này.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm người Chăm là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm người Chăm là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Tối 10/12, tại thị xã Tân Châu (An Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND thị xã Tân Châu tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hoá phi vật thể đối với nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN