Lên chùa thắp nhang đón Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng đi lễ chùa cầu cho quốc thái dân an, cầu tài, lộc, sức khỏe, ước nguyện điều lành là nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng lâu nay của người dân đất ngàn năm văn hiến.

Dâng lễ vật và thắp hương Bà Chúa Kho cầu mong một năm nhiều tài lộc. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN


Chập tối ngày 5/3, nhằm ngày 15 tháng Giêng âm lịch, các đền, chùa ở thành phố tấp nập người đi lễ Rằm tháng Giêng. Đoạn đường Trương Định dẫn vào chùa Linh Ứng (Hoàng Mai), một trong những cổ tự nổi tiếng về linh thiêng ở Hà Nội, không khí náo nức đông vui như mở hội. 


"Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng, câu nói của các cụ xưa vẫn đúng với Nguyên tiêu năm nay”, một nhân viên trông xe trước cổng chùa Linh Ứng vui vẻ nói khi nhìn tốp nam thanh, nữ tú rảo bước qua cổng, hòa vào dòng Phật tử trong chùa đang chắp tay niệm Phật. 


Bước qua cổng Tam quan, thay cho khung cảnh thâm nghiêm thường nhật là không gian bừng sáng bởi những bóng đèn điện kết hoa trên những gốc đào Nhật Tân, hàng cây cổ thụ. Sự u tịch cũng không còn mà thay vào là đông đảo phật tử, tín khách, già trẻ, nam, nữ thành kính chắp tay làm lễ trước điện Tam bảo. 


Chị Nguyễn Thị Ngân, 39 tuổi, ở khu M, Tân Mai, Hoàng Mai cùng gia đình đến chùa Linh Ứng từ sớm lễ phật, cầu an, giải hạn, cho biết, nhiều năm nay, nhà chị giữ nếp Rằm tháng Giêng lòng thành lên chùa vừa là thắp nén nhang trước tượng Phật, vừa là cầu an, giải hạn, ước nguyện sức khỏe, điều lành. 


Kéo nhẹ bàn tay cô con gái 7 tuổi có đôi mắt trong veo đang ngắm chung quanh, nhắc cháu chắp tay lễ phật, chị Nguyễn Thị Ngân nhẹ nhàng nói: Đọc các điển tích người xưa kể lại thì hiểu, Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu có nghĩa “đêm đầu tiên”. 


“Đây là khoảng thời gian mặt trăng tròn trịa, ánh trăng rằm đẹp đẽ, mát mẻ nhất tiết xuân. Ngày này người ta thường treo đèn kết hoa để nhìn ngắm, hưởng thụ ánh trăng rằm”, Chị Ngân kể. 


Anh Tín, nhân viên kế toán Công ty TNHH Hoàn Châu (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), chồng chị Ngân cũng góp chuyện: Tín ngưỡng Phật giáo coi ngày này là dịp chư Phật xuống trần gian để cân phúc, cân tội cho người ta. Còn nhân gian, người người đến chùa làm lễ để cầu may, cầu phúc, cầu duyên và xin tránh họa. Thế nên người xưa bảo rằng "Lễ Phật quanh năm không bằng Lễ Rằm Tháng Giêng" là như vậy. Còn Đạo giáo coi đây là dịp dâng sao giải hạn, trừ các tật ách. 


“Những dịp này, tôi thường kể cho con gái nghe để cháu hiểu rõ nguồn gốc tinh thần, ý nghĩa sâu xa của tục lên chùa thắp hương ngày này”, Anh Tín nói. 


Thắp xong nén nhang vào lư hương trước khu thờ Phật, chị Hoàng Ly, 32 tuổi, ở ngõ Trại Cá, Hoàng Mai, Hà Nội chen vào góp chuyện: Ôn cố tri tân, dạy cho con trẻ về truyền thống văn hóa của dân tộc là cách ghi lại những nét đẹp cổ xưa. Việc đó dù không phải là việc lớn nhưng nên làm. 


Cũng theo nữ tín khách này, trong cuộc sống ngày nay, tiếc là một số người chưa hiểu ý nghĩa sâu xa nét văn hóa tín ngưỡng này lại đứng trước những bất an xảy đến khiến họ không còn tin vào bản thân mà nghĩ rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó tác động đến. Để an ủi bản thân, không ít người đã thái quá về nghi lễ giải hạn, cầu an. “Em thì nghĩ rằng, lễ thành tại tâm! Em đi để lễ cầu bình an cho gia đình, coi đó như một chỗ dựa tâm linh thôi", chị Ly cho hay. 


Viếng thăm một số cổ tự lớn khác ở Hà Nội như chùa Kim Liên, chùa Liên Phái, thì thấy, hàng ngàn phật tử cùng người dân thập phương rộn ràng làm lễ cầu an, cầu phúc cho một năm nhiều may mắn, bình yên và thành công. Chốn thiền tâm, hầu khắp nam thanh, nữ tú, người già, trẻ em “lòng thành thắp một nén nhang”, chắp tay niệm Phật. 


Rời chùa Quỳnh (Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng), nhớ mãi câu nói của bà Đỗ Thị Lượng, một phật tử ở chùa Quỳnh: Trong cuộc sống hiện đại, dù đây đó còn những vấn đề đáng bàn, song khách quan nhìn nhận rằng, người dân đi lễ đầu Xuân là tìm về chốn thiền tâm để cầu mong cho gia đình, bản thân một năm mới sức khỏe, an khang, nương tựa vào sức mạnh của Phật pháp che chở, hóa giải tai ách, vận hạn rủi ro. Trước tượng Phật, mỗi người tự nhìn nhận, soi chiếu lại bản thân của một năm cũ để tự răn mình, tự tạo nhân – quả cho mình. 


“Bởi thế, lễ chùa Rằm tháng Giêng từ bao đời nay vẫn là mạch nguồn văn hóa, tín ngưỡng tâm linh truyền thống của dân tộc, của người đất ngàn năm văn hiến”, bà Lượng nói.


Anh Tùng (TTXVN)

Văn hóa tâm linh trong ghe ngo
Văn hóa tâm linh trong ghe ngo

Ở Nam Bộ, mỗi chiếc ghe ngo là sản phẩm của một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN