Đặc biệt, trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông có nghi lễ rước thần giữ lửa của dòng họ.
Đây là nghi lễ truyền thống có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc mông.
Người Mông quan niệm, mỗi dòng họ đều có vị thần giữ lửa riêng của mình, nên ngay sau khi kết hôn và dựng nhà mới, người chủ gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt đưa bàn thờ tổ tiên vào nhà, thực hiện nghi lễ rước thần giữ lửa của dòng họ để phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt, vợ chồng hòa thuận, gặp nhiều may mắn.
Khi đã mời thần giữ lửa xong, chủ nhà đưa con vật làm lễ ra thịt, nghi thức này có thể được lặp lại mỗi năm một lần.
Theo quan niệm tín ngưỡng của người dân tộc Mông, con vật tế trong nghi lễ cúng bắt buộc phải là “con cái”.
Điều đặc biệt kiêng kị bắt buộc phải tuân thủ trong nghi lễ là khi gia chủ làm lễ, mọi người xung quanh có thể nói chuyện, giao tiếp thoải mái bằng tiếng dân tộc Mông, nhưng anh em, bạn bè đến dự tuyệt đối không được nói chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc khác.
Sau cùng là nghi thức treo rọ (thần giữ lửa) trong nhà, gia chủ đặt một bát đồ cúng trong mâm lễ lên giường của hai vợ chồng, các bát còn lại đưa cho mọi người đem ra bếp lửa nướng và cùng nhau ăn để lấy lộc, đồng thời, đem chiếc rọ đựng bên trong là quả bầu và thanh tre nhỏ được buộc dây (đại diện cho thần canh giữ lửa gia đình) lên tường ngay phía trên giường của hai vợ chồng hướng ra bếp, để trông, giữ lửa và luôn sưởi ấm, phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt.
Nghi lễ “rước thần giữ lửa” là nghi thức tín ngưỡng không thể thiếu trong cuộc sống gia đình người Mông. Đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng vẫn luôn gìn giữ được bản sắc riêng của mình để góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam.