Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hằng năm vào các ngày 26, 27 và 28 tháng 8 Âm lịch, nhân dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành phố trong cả nước về thành phố Rạch Giá, nơi có Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để chiêm bái. Năm 2023, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Với truyền thống, lịch sử, văn hóa của quê hương Kiên Giang, tự hào về di sản văn hóa được tôn vinh, cùng sự quan tâm của Trung ương, của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân, giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực sẽ tiếp tục được gìn giữ, vun đắp, lan tỏa, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của Kiên Giang đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế", ông Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.
Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ thắp hương Bia ghi dấu địa điểm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành hình năm 1868; lễ dâng hương tại công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực. Các nghi lễ thượng đại kỳ, tế đàn cả, hậu phối... được tổ chức tại Đình Nguyễn Trung Trực.
Phần hội được tổ chức với sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam Bộ; triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) lần thứ 29 năm 2024; diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trưng bày ảnh nghệ thuật “Kiên Giang – Đất nước – Con người”; trưng bày, giới thiệu quảng bá du lịch, sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Kiên Giang, Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh hàng năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham dự. Đặc điểm riêng có của Lễ hội là tính gắn kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác, thiện nguyện của người dân tham gia. Hàng nghìn người đến phục vụ suốt thời gian Lễ hội như dọn dẹp vệ sinh, phục vụ thức ăn, nước uống...
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn, Quản Lịch), sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sinh thời ông là người rất tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, ông tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới trướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Thành Gia Định thất thủ lần thứ 2 (tháng 2/1861), ông tập hợp những người yêu nước hoạt động kháng Pháp vùng Tây Nam Bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.
Tiêu biểu là trận chiến dùng hỏa công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) tại vàm Nhựt Tảo, huyện Bến Lức. Sau chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo”, ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên. Chưa kịp về Hà Tiên nhậm chức thì Hà Tiên đã bị đánh chiếm, Nguyễn Trung Trực lui về Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày.
Quân Pháp đã dồn toàn lực nhằm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, để dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân An Nam. Cuối cùng, quân Pháp đã bắt được ông, đem về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng không thành công. Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi.