Đến với Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, đoàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có 50 nghệ nhân của bốn ngôi làng người Bahnar trên địa bàn là làng Pốt, xã Song An và làng PNang, làng Nhoi, làng Hòa Bình của xã Tú An.
Trong số này, có 6 nghệ nhân đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm và 44 nghệ nhân múa Cồng chiêng. Người nhỏ tuổi nhất năm nay mới lên 10 và nghệ nhân lớn tuổi nhất cũng chỉ hơn 50. Đây là đoàn nghệ nhân có tuổi đời trẻ nhất từ trước tới nay của thị xã An Khê, trung bình chỉ 25 tuổi, đến tham dự một ngày hội lớn của khu vực.
Em Đinh Thị Dư (sinh năm 2000, nghệ nhân làng Pốt, thị xã An Khê) cho biết, ngay từ năm 9 tuổi, Dư đã được các thế hệ đi trước trong làng hướng dẫn cho các điệu múa Xoang. Nhờ chăm chỉ tập luyện cùng sự chỉ dạy tận tình, giờ đây Dư đã thành thục các điệu múa của dân tộc và được chọn để tham dự Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018.
“Em cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp phần mang những nét văn hóa đặc trưng của người Bahnar đến với công chúng qua những điệu múa. Em sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, học hỏi từ các thế hệ đi trước để hoàn thiện bản thân hơn cũng như sẽ truyền thụ lại niềm đam mê và hướng dẫn cho những em nhỏ trong làng biết điệu múa Xoang của dân tộc”, nghệ nhân trẻ Đinh Thị Dư phấn khởi nói.
Đoàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai có 39 nghệ nhân tham dự ngày hội lớn của khu vực, với độ tuổi trung bình chỉ 21 tuổi. Đây cũng là địa phương quê hương của Vua Lửa (Pơtao Apuih), với gần 100 bộ Cồng chiêng còn được lưu giữ lại đến ngày nay.
Là người đi đầu trong việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của huyện Phú Thiện, Rmah Mich (sinh năm 1993) đã thành lập đội cồng chiêng của huyện từ năm 2015 với 39 thành viên và đều được tuyển chọn đại diện cho huyện Phú Thiện tham dự Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Trong đó, nghệ nhân nhỏ tuổi nhất của đội mới 10 tuổi.
“Qua thời gian, tôi nhận thấy sự mai một dần của các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Tôi đã quyết định thành lập đội cồng chiêng, kêu gọi mọi người trong lứa tuổi cùng tham gia, với mong muốn góp một phần nào đó cho việc gìn giữ các giá trị truyền thống của dân tộc”, Rmah Mich chia sẻ.
Sự trẻ hóa đội ngũ nghệ nhân cồng chiêng nói riêng và các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung tại Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là một tín hiệu đáng mừng. Bởi trong những năm qua, nhiều nghệ nhân lớn tuổi đã không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện các bài chiêng, trống hay nhảy Xoang, trong khi thế hệ trẻ lại không quá mặn mà với loại hình nghệ thuật này.
Già Rơ Lan Bép (sinh năm 1950, đội nghệ nhân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vui mừng cho biết: “Tôi rất phấn khởi bởi tại Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, có nhiều nghệ nhân trẻ tuổi đã thực hiện thành thục các bài múa, đánh cồng, chiêng. Giờ những thế hệ lớn tuổi như chúng tôi không còn nhiều sức khỏe nữa, chỉ mong các em, các cháu tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Ông Nay Kỳ Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, so với những lễ hội trước đây, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đánh dấu sự trưởng thành ấn tượng của một bộ phận nghệ nhân trẻ, khi độ tuổi trung bình chỉ khoảng 30, trong khi những lễ hội trước đây đều có độ tuổi trung bình từ 40 - 50 tuổi.
Cá biệt, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 có sự tham gia của nghệ nhân chỉ mới 6 tuổi. Đây không chỉ đánh dấu một bước thành công trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, mà còn là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Để làm được điều này, theo ông Hiệp, ngoài việc vận động người dân trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số tự truyền đạt cho nhau, tỉnh Gia Lai cũng tăng cường tổ chức các hoạt động dân gian tại các địa phương, tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân trẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo cho Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai đưa các thầy giáo, đồng thời mời các nghệ nhân gạo cội để mở lớp truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian cho các em thiếu nhi yêu thích bộ môn này. Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã triển khai lớp học này đến 10 địa phương trong tỉnh, như thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Păh, huyện Đắk Đoa…
“Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng từ cơ sở, truyền dạy và tổ chức các hoạt động văn hóa thường xuyên hơn để cho các thế hệ trẻ hiểu, yêu mến và đưa văn hóa đặc trưng của dân tộc mình đến với bạn bè trong và ngoài nước để chia sẻ và cùng nhau tiến bộ”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Sự mai một của các loại hình văn hóa truyền thống giờ đây không còn là nỗi lo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, bởi những thế hệ trẻ đã biết yêu quý, trân trọng hơn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Với những con người trẻ, khỏe và sự tiếp thu di sản văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được kỳ vọng sẽ là bước đệm để những thế hệ kế thừa đưa “tiếng cồng, tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vỹ và vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dặn dò.