Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:

Khi vẽ phải tự do và là chính mình

Không biết bằng cách nào mà hội họa ngấm vào chị và trở thành máu thịt từ tuổi còn thơ ấu cho đến tận bây giờ. Chỉ biết rằng, kể từ bức vẽ đầu tiên khi mới 8 tuổi cho đến nay, khi mà chị đã ở tuổi 66, cái tuổi lẽ ra, với người đàn bà nên dành thời gian nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, thì với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (ảnh) (SN 1946), trưởng nữ của nhà văn Kim Lân, lại là thời gian gấp gáp và luôn bận bịu. Thậm chí, nhiều dự định đang được chị ấp ủ và chị chỉ mong mình đủ sức khỏe để có thể thực hiện được tất cả những mong ước đang hối thúc chị đến bồn chồn...



Thần đồng về hội họa


Bức tranh đầu tiên họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ là bức “Quả đồi của em” bằng bột màu, ở đó chị vẽ chính mình đứng trên một ngọn đồi, dưới chân là đàn gà. Bức vẽ này chị vẽ để vơi nỗi nhớ đến day dứt dù khi ấy cô bé Hiền mới 8 tuổi, vừa từ vùng kháng chiến Nhã Nam, ấp Cầu Đen, Yên Thế (Bắc Giang) trở về Hà Nội sau khi thủ đô được giải phóng năm 1954.


Quả đồi này, trong trí nhớ của chị là “quả đồi văn nghệ”, là nơi cả gia đình tản cư, ở suốt trong thời gian kháng chiến bùng nổ, cùng với rất nhiều văn nghệ sĩ khác như nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm... (bây giờ mộ của nhà văn Nguyên Hồng vẫn ở đây).


Bức vẽ đầu tiên ấy đã được gửi đi một cuộc triển lãm của thiếu nhi quốc tế tổ chức ở Hunggary và được giải. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế về hội họa.


Từ đây, tài năng hội họa của chị được khuyến khích phát triển mà người dẫn dắt, người thầy đầu tiên định hướng cho chị chính là cha mình, nhà văn Kim Lân. Thành công bất ngờ ngay từ bức vẽ đầu tiên của cô con gái đã khiến nhà văn Kim Lân bắt đầu chú ý đến tài năng của con gái, đưa màu đưa bút cho con vẽ. Cô bé cứ thế mải mê vẽ, mà vẽ bức nào thì đoạt giải bức ấy.


Trong suốt tuổi thơ của mình, cô bé Hiền đã đoạt rất nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế, trong đó, bức tranh đầu tiên đoạt giải xuất sắc, cũng là giải thưởng thứ hai mà cô bé Hiền nhận được là bức “Cây bàng trường em” vẽ cây bàng vào mùa hè với nhiều lá úa rụng, bầu trời màu vàng (đến bây giờ chị cũng không biết tại sao lại vẽ bầu trời màu vàng).


Bên cạnh đó, cô bé Hiền còn đoạt nhiều giải thưởng quốc tế khác: Ấn Độ (4 huy chương Bạc, trong đó có bức “Sông Hồng”, bức “Bể cá”), Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Anh… Những giải thưởng liên tiếp trong suốt thời gian tuổi thơ đã khiến cho nhiều họa sĩ chuyên nghiệp cũng như những người cùng thời phong cho cô bé là “Thần đồng hội họa”.



Nhưng cho đến bây giờ, chị vẫn phải thừa nhận rằng, chính cha mình là người luôn sát cánh bên con gái và hiếm có người nào lại quan tâm đau đáu đến việc vẽ của con mình như thế. Nhà văn Kim Lân vốn ham mê hội họa và từng theo cụ Nguyễn Gia Trí phụ sơn mài, vẽ, nặn tượng; nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nhà văn Kim Lân không thể theo đuổi niềm đam mê này.


Có lẽ vì thế mà ông đã dồn sức cho cô con gái cả khi nhìn ra tài năng thiên bẩm của con mình như niềm kỳ vọng thay ông thực hiện niềm mơ ước mà ông không có cơ hội theo đuổi.


Để con mau tiến bộ, ông thường đem tranh của con nhờ các bạn văn, những họa sĩ thân thiết như Văn Cao, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc… xem và góp ý hoặc đưa con đến nhà họ để cô bé được xem các họa sĩ vẽ. Vì thế ngoài việc học ở trường (13 tuổi cô bé Hiền đã học tại Trường Mỹ thuật, khóa 7 năm), cô bé còn được học rất nhiều ở những bậc thầy về hội họa là bạn bè của cha mình và đó là những bài học thực tiễn vô cùng quý giá mà không phải ai cũng có cơ hội được học.


Và không ngừng sáng tạo


Cứ như thế kiến thức về hội họa của cô bé Hiền lại được bồi đắp và nuôi dưỡng. Nhưng cái làm nên phong cách, tạo nên sự nghiệp sau này của chị Hiền lại chính là tư duy sáng tạo, không rập khuôn máy móc, không bắt chước bất cứ một hình mẫu, một trường phái, một mô tuýp hội họa nào.


Có một câu chuyện mà đến bây giờ chị Hiền vẫn còn nhớ. Đó là khi vào khoảng 11, 12 tuổi, sau khi được xem tranh của danh họa Van Gogh, chị đã bắt chước bút pháp của Van Gogh vẽ một bức tranh cây cối xoắn tít mù lại và rất hoan hỉ vui sướng đem khoe với bố, trông đợi một lời khen ngợi vì đã biết vẽ tranh theo lối hiện đại.


Tuy nhiên, khi xem xong, bố chị nói rằng: “Con ạ, làm nghệ thuật không phải đơn giản và dễ dàng như con nghĩ đâu. Con phải nên nhớ, khi còn đi học thì phải học thật giỏi về hình họa, về bố cục, màu sắc; nhưng khi sáng tác con phải tự do và phải là chính mình, vì nếu bắt chước người khác thì con chỉ là cái bóng của chính họ”.


Khi ấy, cô bé Hiền chưa thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong lời nói của cha, nhưng lời khuyên ấy đã kịp ghim chặt vào trí óc non nớt của cô bé, trở thành kim chỉ nam trong suốt thời gian dài làm nghệ thuật của chị.


Tuy nhiên, để được là chính mình không hề dễ dàng. Tư duy sáng tạo, cá tính độc lập trong từng khuôn tranh, ý chí vươn ra ngoài khuôn mẫu vốn có của hội họa một thời nhằm làm nên sự khác biệt theo đúng khả năng đã đem lại không ít rắc rối ngay từ khi chị còn là học sinh trường Mỹ thuật.


Mê tranh Van Gogh, ngưỡng mộ danh họa Picaso,… đã khiến chị dù là một học sinh giỏi, chăm chỉ, ngoan ngoãn, rất giỏi về hình họa, màu sắc, bố cục, trong suốt 7 năm học luôn được điểm cao bị đánh giá là học sinh cá biệt, bị chỉ trích về xu hướng sáng tạo không tuân theo sự giảng dạy của nhà trường.


Nên khi thi tốt nghiệp nhà trường đã cho chị đỗ hạng bét, dù cho những bài hình họa, bố cục, tác phẩm của chị, ngay cả tác phẩm tốt nghiệp đều được nhà trường giữ lại làm giáo cụ trực quan. Những đợt nghỉ hè, nộp bài vẽ báo cáo trường hay trong số tranh treo trên bốn bức tường của lớp thì một nửa là của chị.


Điều đặc biệt là tác phẩm thi tốt nghiệp của toàn trường thì duy nhất tác phẩm đỗ bét của chị được tất cả các báo lúc bấy giờ đồng loạt đăng tải. Tuy nhiên, dù gặp trở ngại thế nào, chị vẫn giữ nguyên quan điểm sáng tác, quyết liệt bảo vệ chính kiến, chị muốn được sáng tác theo cách của riêng mình, theo đúng sở trường, vẽ theo cảm xúc với tư duy sáng tạo và chị đã thành công.


Chị có biệt tài vẽ chân dung, một thể loại không hề dễ, và vẽ rất nhanh. Bức chân dung khổ 60x80cm, chị chỉ cần vẽ trong hai tiếng, hôm sau người mẫu đến ngồi thêm 2 tiếng nữa để chị chấm phá những nét cuối là xong. Khi ấy người ta nói chị vẽ chân dung “nhanh hơn điện”.


Khả năng đặc biệt này đã khiến cho cái tên Nguyễn Thị Hiền lan nhanh, nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam nhất quyết tìm đến chị để yêu cầu được vẽ chân dung và người vẽ phải là chị chứ không ai khác. Thời gian làm việc ở Xưởng Mỹ thuật quốc gia, chị đã vẽ mấy trăm bức chân dung cho các đại sứ, Liên hiệp quốc, các chuyên gia của nhiều nước: Liên Xô, Nhật Bản, Anh, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Na Uy, Phần Lan, Ôxtrâylia,…


Lúc ấy, ai muốn được chị vẽ phải xếp hàng trước đó sáu, bảy tháng mới tới lượt. Xưởng Mỹ thuật quốc gia đã phải đặc cách cho chị trở thành họa sĩ sáng tác tự do nhưng vẫn hưởng lương bình thường. Sau này, rời Hà Nội vào định cư tại TP.HCM (năm 1984) theo chồng, nhiều người vì muốn có tranh do chính chị vẽ vẫn đi tìm.


Bền bỉ với con đường đã chọn, chị đã tạo được tên tuổi của mình, tranh của chị tham gia triển lãm trong nước và nhiều nước trên thế giới, đoạt nhiều giải thưởng; được bán với số lượng lớn, nhiều bức đến bây giờ chị không còn cả ảnh gốc vì họ đã mua sạch. Có lúc tranh của chị trước khi khai mạc triển lãm ở nước ngoài đã có người hỏi mua với giá cao gấp hơn chục lần so với trong nước.


Nhưng quan trọng hơn cả là trong bất cứ hoàn cảnh nào, niềm đam mê và sự sáng tạo của chị không khi nào nguội tắt, ngược lại, càng được nuôi dưỡng và phát triển.


Cuộc sống của chị vì thế không có sự nhàn nhã, luôn có kế hoạch và chị hạnh phúc khi tất cả các khoảng trống của thời gian được lấp đầy một cách có ý nghĩa. Liên tục tổ chức triển lãm cá nhân ở cả Hà Nội và TP.HCM, chị hiện đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm “Dòng chảy” 6 với chủ đề “Những đứa trẻ” với khoảng 50 bức bằng sơn mài và sơn dầu.


Lý giải cho việc lấy tên “Dòng chảy”, chị nói: “Cuộc đời và sáng tác nghệ thuật như một dòng chảy, có lúc tuôn trào, thăng hoa, có lúc phải vượt thác, xuống ghềnh, có lúc nhỏ giọt tí tách và có lúc âm thầm chảy trong lòng đất. Nhưng tất cả sẽ được nuôi dưỡng như một dòng chảy, chảy mãi không ngừng”.


Với chị, cái đích luôn ở phía trước, vì thế chị chỉ sợ không đủ sức khỏe để làm, thời gian với chị giờ là vô giá, quý hơn mọi thứ. Xong triển lãm này, chị sẽ thực hiện mơ ước mà hiện giờ chị đã nôn nóng và bồn chồn muốn làm lắm rồi, đó là lao vào vẽ chân dung bạn bè, những người cùng giới, bạn văn chương và những người cùng thời. Những bức tranh này chị sẽ không bán, không cho cũng chẳng tặng ai, nó sẽ là tài sản vô giá của riêng chị mà thôi.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN