Chỉ nên cầu 2 chữ "bình an"
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, nét đẹp truyền thống của người Việt Nam trong ngày Tết từ ngàn xưa là cúng ông bà tổ tiên trong gia đình, sau đó đi đến các từ đường để lễ tiên tổ, thứ ba là đến đình, đền, chùa, miếu mạo để cầu phúc.
Điều này mang đến hai ý nghĩa. Thứ nhất, về ý nghĩa tâm linh là cầu cho một năm mới 4 mùa 8 tiết 365 ngày được bình an, mạnh khỏe, thành đạt trong cuộc sống. Thứ 2 là ý nghĩa tinh thần, ngày Tết người dân được nghỉ các công việc, có thời gian đi đến các địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo để lễ Phật, vãn cảnh.
"Thăm chùa nhưng cũng là thăm các công trình kiến trúc, mỹ thuật, phong cảnh của ngôi chùa, ngôi đền đó. Do đó, đến chùa cần phải chuẩn bị tâm thành kính, khi cầu nguyện nên cầu chữ bình an. Trong đó có bình an trong bản mệnh của mình, bình an trong cuộc sống và bình an trong mọi công việc", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho hay.
Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, người đi lễ không nên mang cái tâm phàm phu vào nơi thờ tự vì dù Phật hay Thánh đều không vụ lợi, nên ta cũng đừng cầu tài cầu lộc cầu buôn một bán mười...
"Có cái tâm trong sáng, thì cuộc sống cũng trong sáng với mình. Đó là điều cần thiết với những người vào lễ nơi tôn nghiêm", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Những điều cần tránh
Muốn bình an thì trước hết tâm phải bình. Đã sắp xếp thời gian đi lễ thì phải dành thời gian để vãn cảnh, không nên đi vội vàng, hấp tấp, lễ cho xong lượt. Đặc biệt là đến nơi tâm linh, tâm hồn phải trong sáng nhất. Không được mang tâm hồn của người quá tham cầu vào đó. Hãy giữ cái tâm thanh thản như ông cha ta đi lễ chùa trước đây.
Bên cạnh đó, nên tôn trọng tâm linh của người khác, không để điện thoại có tiếng kêu và khi cần trả lời điện thoại thì nên ra khỏi nơi thờ tự để tránh ảnh hưởng người khác, làm mất không gian yên tĩnh nơi thờ tự.
Một lưu ý nữa là Tết này trời nóng, nhất là với nữ giới, đừng nên quên mất sự tôn nghiêm, cổ truyền của người phụ nữ kín đáo. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm mong mọi người giữ vẻ đẹp truyền thống ăn mặc kín đáo khi vào chùa. Cũng như không ăn uống bừa bãi tại chùa.
Nhắc đến tiền công đức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: Tiền to hay bé đều là tiền của nhà nước Việt Nam, đều được nhà nước bảo hộ. Nếu cúng trên chùa thì cúng xong phải cho vào hòm công đức, tâm mình thầm kín, cũng là để bảo quản đồng tiền cúng. Không được giắt tiền lên tay tượng hay để lên mâm lễ, gây ra tội cho những người tham lấy trộm. Không rải tiền lung tung rất phản cảm.
Người đi lễ cũng không nên mang vào chùa rượu, thịt và vàng mã. Chỉ có tâm thành kính là được. Dâng hương dâng hoa dâng nến tùy khả năng của mình, không để ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ: "Chúng tôi thuộc lớp người cổ, sống qua thời kỳ đất nước khó khăn bao cấp, con người tuy gian khổ nhưng ông cha ta lễ bái rất tao nhã. Bây giờ chúng ta cắm hoa cả bó, mâm lễ lớn. Trong khi ông cha ta trước đi lễ chỉ có mấy xấp giấy, các cụ gọi là vải để cúng. Hoa cúng bằng đĩa, bát nước đĩa hoa, bên dưới là bát nước, cái đĩa đậy lên, trên mặt đĩa là hoa gói, mỗi loại có một bông như hoa mẫu đơn, hoa ngọc lan, hoa sói, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc... trông rất tao nhã. Bây giờ cuộc sống sung túc nên hoa rất nhiều chủng loại. Nhưng dù sắm gì đi lễ cũng phải nhớ lòng thành chứ không nên mang lòng tục vào chùa".
Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi. Người đi lễ cũng thay đổi nhiều. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhắn nhủ người dân đi lễ chùa: Cứ tâm bình an thì mọi sự bình an. "Một nén hương cho thơm, một bông hoa cho ngát là được. Không cần dâng cúng nhiều, và cũng không cầu gì nhiều ngoài Bình An".