Hò khoan Lệ Thủy từng bước đến với công chúng

Đoàn nghệ nhân dân gian hò khoan Lệ Thủy vừa kết thúc chuyến biểu diễn, giao lưu tại thủ đô Hà Nội và thành phố Bắc Ninh. Trong chuyến đi này, các nghệ nhân đã giúp công chúng được nghe và hiểu hơn về hò khoan Lệ Thủy - sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của tỉnh Quảng Bình.

Những điệu hò khoan của người Lệ Thủy chân chất, mộc mạc, được chắt lọc từ trong lao động, trong đời sống của biết bao thế thệ người Quảng Bình, mang đến cho người nghe những cảm xúc khó quên.

Đằm thắm hò khoan

Trong chuyến lưu diễn lần này, các nghệ nhân đã giới thiệu với công chúng hơn 10 tiết mục, là các làn điệu cơ bản của hò khoan Lệ Thủy (người Lệ Thủy gọi là “mái” hò) như: Hát mái xắp, hò sáu mái, hò khơi, nậu xăm, hát mới, hò đối đáp… Không chỉ trình diễn, các nghệ nhân còn có cuộc trò chuyện, giới thiệu với những người yêu điệu hò khoan Lệ Thủy hiểu hơn về di sản văn hóa độc đáo của vùng Lệ Thủy - Quảng Bình, một làn điệu dân ca có sức sống mạnh mẽ, cuốn hút lòng người.

Các nghệ nhân biểu diễn hò khoan Lệ Thủy tại Thủ đô. Ảnh: Phạm Quý

Các nghệ nhân kể rằng, trước đây, các điệu hò có thể được cất lên mọi lúc, mọi nơi, trong quá trình lao động, như khi làm nhà, khi cày ruộng, khi xay lúa… vừa để “an ủi” mình, vừa để mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ… Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu, các nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc lại tổ chức các đêm hát đối đáp thi giữa các làng, hoặc trong cùng một làng để gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, để tìm người yêu…. “Khi những điệu hò khoan Lệ Thủy vang lên, nó báo hiệu những buổi lao động bắt đầu. Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền… tất tần tật việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được”, ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, Trưởng đoàn lưu diễn dân ca “Hò khoan Lệ Thủy” cho biết.

Hò khoan Lệ Thủy có hai phần chính là phần xô và phần đối đáp. Phần xô là phần hát đầu tiên khi vào lời bài dân ca, thường là ''Hò khoan (hơ) hỡi khoan (hơ) mời bạn xô (hò) hò khoan. Sau đó là phần hát đối đáp của hai bên nam nữ.

Một trong những bài hò khoan được nhiều người yêu thích, là bài hò giao duyên. Sau phần hát xô, cô gái hỏi chàng trai: Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở/ Chàng gặp thiếp như hoa nở trên (hơ) bồn/ Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/ Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn/ Thầy mẹ ở bên nhà đã sửa (hơ) chậu/ Ơ là hô!/ Ơ (hơ) sửa chậu xây bồn mô (hơ) chưa?

Và rồi chàng trai hát đáp: Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan mà chiếu kế/ Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ dài (hơ) giường/ Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan/ Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu lường thưng/ Em chớ nghe thầy với ơ (hơ) mẹ/ Ơ hơ ơ, với mẹ khiến em đừng có thương ơ (hơ) anh!...

Âm điệu phong phú, trữ tình, lời ca mộc mạc, dung dị, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ, nhưng chứa nhiều tầng ý nghĩa, những ai đã từng nghe hò khoan Lệ Thủy, hẳn sẽ khó quên những câu hò - tinh hoa được chắt lọc từ những trong cuộc sống lao động của biết bao thế hệ người Quảng Bình.

Di sản trong lòng dân

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, hò khoan Lệ Thủy có nhiều mái hò với cấu thức âm nhạc giai điệu, cách ngắt câu, lớp xô riêng, đó là mái ruổi, mái ba, mái chè, mái nệ, mái xắp… Có lẽ vì thế mà hò khoan Lệ Thủy là loại hình nghệ thuật có hình thức diễn xướng rất phong phú qua các điệu hò sông nước, hò cạn, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài chòi… Nhiều hình thức diễn xướng trong đó được xắp xếp thành lớp lang rất nhuần nhuyễn.

Tuy nhiên, trong hành trình 700 năm phát triển, những từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm các “lối hò” như: “lối giao duyên”, “lối nhân nghĩa, “lối điển tích”, “lối ghễnh ghẹo”, “lối bồn ba”… Và như nhiều loại hình diễn xướng khác, hò khoan dần được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, hoặc trong những lúc nông nhàn. Một điều độc đáo nữa ở hò khoan Lệ Thủy, ấy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thì mới dùng đến các loại đàn như nhị, sao, trống, còn thông thường, nhạc cụ trong hò khoan thường là những công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà… Những thứ đó làm nền nhạc đệm như tiếng vỗ tay lấy đà bắt nhịp tạo ra âm thanh mộc mạc, nhưng cũng rất gần gũi, thân quen.

Có được tận mắt nghe và xem những tiết mục hò khoan Lệ Thủy do chính những người dân lao động - những nghệ nhân dân gian biểu diễn ở Thủ đô, mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc về những giá trị văn hóa chứa đựng trong đó, và để hiểu, vì sao hò khoan Lệ Thủy lại có một sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng dân cư Quảng Bình đến vậy. Mỗi câu hát, mỗi lời ca trong điệu hò khoan Lệ Thủy, là một câu chuyện về nhân tình, thế thái, sự đời, là những câu hát tình tứ, trao duyên, cũng có khi là một chút trách cứ, than phiền… nhưng bao trùm lên rất cả, những câu hát vẫn thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước, là lời nhắn nhủ mỗi con người sống trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa…

Có lẽ vì thế, mà sau hàng trăm năm song hành cùng đời sống của người dân Quảng Bình, hò khoan Lệ Thủy – một loại hình di sản văn hóa dân gian đặc sắc của Quảng Bình đang từng bước vươn xa hơn, đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Phương Hà
Tục kết bạn của người Quan họ
Tục kết bạn của người Quan họ

Quan họ Bắc Ninh có nhiều nét đẹp như tục kết bạn, văn hóa hành vi Quan họ, dân ca Quan họ, lễ hội Quan họ và tín ngưỡng Quan họ. Trong các yếu tố trên, tục kết bạn Quan họ là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện sinh hoạt văn hóa Quan họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN