Theo nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm, nguyên Trưởng Ban Sưu tầm nghiên cứu Quan họ tỉnh Bắc Ninh, ở những loại hình dân ca khác, người hát với nhau có thể không thân quen nhau nhưng với Quan họ, những người chơi Quan họ với nhau phải kết bạn. Ngày xưa, chỉ những nhóm chơi (còn gọi là "bọn") Quan họ kết bạn với nhau mới chơi quan họ với nhau. Nếu không kết bạn mà ca với nhau thì dù ca các giọng Quan họ vẫn chỉ được gọi là “hát ghẹo”. Do vậy, yêu cầu bắt buộc cho mỗi nhóm chơi Quan họ là phải kết bạn với ít nhất một nhóm chơi Quan họ khác và đã trở thành một tập tục quy định phổ biến chung trong văn hóa Quan họ và được bảo tồn đến tận ngày nay.
Hát Quan họ trên thuyền ở hồ Bán Nguyệt. |
Hát Quan họ là hát đối đáp nam nữ, hát giao duyên. Bởi vậy, trong tục kết bạn, một nhóm Quan họ nam ở làng Quan họ này có thể kết bạn với một hoặc nhiều nhóm Quan họ nữ ở làng Quan họ khác và ngược lại. Mối quan hệ này thường bền vững giữa các làng kết chạ với nhau. Một làng Quan họ thường có nhiều nhóm chơi Quan họ. Mỗi nhóm chơi là một tổ chức bền vững do ông trùm hoặc bà trùm đứng ra vận động thành lập; người ca hát thường có 5 liền anh hoặc 5 liền chị được gọi tên theo số lượng: anh cả, anh hai, anh ba…; một người chuyên sáng tác câu đối đáp hay những bài Quan họ mới và những người phục vụ trà nước, trầu cau, cơm…
Nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm nhấn mạnh: Việc kết bạn Quan họ cũng phải theo quy trình nhất định. Theo đó, trong lễ hội, nhóm Quan họ nam phải đi tìm nhóm Quan họ nữ để xin kết bạn, sau đó cả hai bên cùng hát đối đáp với nhau những bài hát chúc, hát mừng. Sau khi được bên nữ đồng ý, nhóm Quan họ nam sẽ hẹn ngày đến nhà từng người Quan họ nữ để xin phép bố mẹ Quan họ nữ được kết bạn. Nếu được đồng ý, Quan họ nam sắm sửa cơi trầu, lễ vật sang đình của làng Quan họ nữ xin thành hoàng làng cho phép được kết bạn với nhóm Quan họ nữ. Nhóm Quan họ nữ cũng sang làm lễ ở đình làng của nhóm Quan họ nam (nhưng nhóm Quan họ nam chuẩn bị lễ vật). Đây là nghi thức rất quan trọng để cầu khẩn thần Thành hoàng cho phép và chứng giám đôi bên thành bạn của nhau. Chỉ có như vậy thì hai nhóm Quan họ mới được qua lại chơi Quan họ tránh dư luận “nam nữ thụ thụ bất tương thân” sau những buổi “ca cho tàn đêm rạng ngày”. Sau khi hoàn thành các thủ tục tế lễ, hai nhóm Quan họ sẽ tổ chức hát thờ ở đình, sau về nhà chứa xơi cơm Quan họ và tổ chức hát canh suốt đêm và từ đó chính thức trở thành bạn của nhau.
Chương trình biểu diễn hát Quan họ tại nhà Bát Giác thu hút đông đảo du khách. |
Những nhóm Quan họ đã kết bạn với nhau có mối quan hệ rất thân thiết, coi nhau như anh em trong nhà. Họ thường xuyên giao lưu, quan tâm tới nhau trong cuộc sống. Có mặt trong buổi giao lưu Quan họ giữa hai làng Diềm và Bịu Sim trong lễ hội đình làng Diềm, bà Nguyễn Thị Lành, làng quan họ Bịu Sim - xã Liên Bão - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh cho biết: Quan họ Diềm và Bịu Sim là hai làng Quan họ kết chạ với nhau. Bởi vậy, tình bạn giữa hai làng vô cùng gắn kết, truyền từ đời này đến đời khác. Mỗi khi ở hai làng có việc hội hè đình đám, nhóm Quan họ chủ thường ra tận đầu làng đón nhóm Quan họ khách rồi dẫn bạn vào nhà chứa sắp lễ ra đình làm lễ. Sau đó, hai bên trải chiếu ca một canh Quan họ tại đình rồi về sinh hoạt văn hóa Quan họ tại nhà và tiếp tục ca với nhau suốt ngày đêm cho đến hết hội.
Các nhóm Quan họ kết bạn không chỉ sinh hoạt với nhau khi hai bên có hội hè mà còn rủ nhau đi hát giao duyên ở các lễ hội khác. Thậm chí họ còn nói dối bố mẹ để được gặp nhau cho thỏa nỗi nhớ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, làng Diềm (hay còn gọi làng Viêm Xá), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tâm sự: "Trước kia, bạn Quan họ say nhau đến nỗi không quản ngày, đêm, chỉ cần nhớ nhau là hai bên có thể đi bộ hàng chục cây số để được hát với nhau. Có những cặp tâm đầu ý hợp, khi bạn hát vì lý do gì không còn chơi Quan họ được thì người kia cũng không thể hát tiếp. Chơi Quan họ bên cạnh việc ca hát, các nhóm Quan họ kết bạn còn gắn bó với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Họ thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cả cuộc sống vật chất và tinh thần, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Thậm chí, các liền anh, liền chị còn mang cả cày bừa, trâu bò, đi cấy giúp Quan họ bạn để kịp thời vụ. Họ thường xuyên thăm viếng nhau mỗi khi gia đình thành viên Quan họ bạn có việc vui, việc buồn, đau ốm… Nhưng có một quy định nghiêm ngặt đối với nhóm Quan họ ở các làng kết chạ với nhau là con trai và con gái trong hai làng đó không được thành vợ thành chồng".
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các nhóm Quan họ trong làng tập hợp thành các câu lạc bộ Quan họ, bao gồm những người yêu Quan họ. Bởi vậy, tổ chức bộ máy không còn bền chặt như trước. Với gần 300 câu lạc bộ Quan họ trong tỉnh Bắc Ninh, tục kết bạn và những mối quan hệ của nó chỉ được kế thừa trong những làng Quan họ kết chạ từ xưa còn những những làng không kết chạ, các câu lạc bộ Quan họ chỉ đơn thuần gặp nhau ca hát.