Hình thành chuẩn mực văn hóa Hà Nội thông qua hai bộ quy tắc ứng xử

Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều tỉnh thành, vùng miền trong cả nước nên văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân còn khác nhau. Hơn nữa, dân cư lại biến động thường xuyên nên việc tuyên truyền, phố biến chuẩn mực văn hóa người Hà Nội cũng gặp khó khăn.

Chính vì vậy, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Hà Nội”. Tuy nhiên, kết quả thu được sau khi hai bộ quy tắc này được triển khai chưa được như mong muốn. Từ xuất phát trên, Kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra chiều 8/12 đã thực hiện chất vấn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về thực hiện hai bộ quy tắc trên.

Chú thích ảnh
Kết quả thu được từ việc triển khai hai bộ quy tắc ứng xử chưa được như mong muốn. Ảnh minh họa: Lê Phú/Báo Tin tức

Bày tỏ quan tâm việc triển khai công tác cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các biện pháp khắc phục trong thời gian tới về việc thực hiện hai bộ quy tắc, cũng như chỉ số Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) còn thấp.

Nêu một thực trạng nhức nhối hiện nay, học sinh, sinh viên còn chửi bậy, nói tục, vứt rác ở nơi công cộng, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) thẳng thắn yêu cầu giải trình từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố.

Còn đại biểu tổ Hoàn Kiếm Nguyễn Quang Thắng nêu câu hỏi, thời gian qua hiện tượng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè bán hàng rong vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và các phương tiện tham gia giao thông, trách nhiệm và giải pháp của thành phố trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi liên quan, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, về tổng thể chung, chỉ số hài lòng của người dân được nâng lên nhưng phân tích sâu thì có một số chỉ số thành phần còn thấp. Đơn cử, chỉ số về tiếp cận dịch vụ, thấp nhất là lĩnh vực tài nguyên môi trường. Còn về nội dung tiếp cận thủ tục hành chính, ở cấp sở thấp hơn cấp huyện, cấp xã. Nhưng thấp nhất vẫn là ở lĩnh vực tài nguyên môi trường. Về đánh giá sự hài lòng đối với công chức giải quyết công việc, ở cấp sở cũng thấp hơn cấp huyện, cấp xã và tài nguyên môi trường vẫn tiếp tục thấp nhất.

Vẫn theo bà Hà, cuối cùng là việc tiếp nhận các phản ánh, giải quyết kiến nghị thì cấp huyện thấp hơn cấp sở, cấp xã và lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục thấp nhất. “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố các giải pháp để nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, hướng đến nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp” Giám đốc Sở Nội Hà Nội vụ nhấn mạnh.

Cho biết để hai bộ quy tắc phát huy tốt trong đời sống, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tô Văn Động kiến nghị, thành phố tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô. Theo đó, thành phố cần quan tâm xây dựng các nhà văn hóa ở xã, thôn; xây dựng thêm công viên; tôn tạo, tu bổ danh lam thắng cảnh... để Thủ đô có thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa.

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức in ấn hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và quy tắc ứng xử nơi công cộng, triển khai tới các cơ quan thuộc thành phố và các quận, huyện, xã phường, thôn, làng, tổ dân phố. Thành phố xây dựng 20 cụm pa-no tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên các tuyến phố, khu vực nội đô và vùng ngoại thành; cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác để đưa hai bộ quy tắc vào cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, ý thức của một số người dân còn kém, chưa thực hiện các quy tắc tại nơi công cộng, vẫn bày bán hàng rong, thả vật nuôi nơi công cộng, hành xử thiếu văn hóa tại nơi thờ tự…

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, những tồn tại đó là do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Sự gương mẫu của cán bộ công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý trong thực hiện quy tắc ứng xử có nơi chưa rõ nét.

Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền tại nơi tập trung đông dân cư.

Mặt khác, Hà Nội sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực hiện bộ quy tắc ứng xử; đồng thời, lồng ghép nội dung thực hiện quy tắc ứng xử vào nội dung phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm phát huy tốt hơn 2 bộ quy tắc kể trên.

Trực tiếp đăng đàn, làm rõ hơn các giải pháp về việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, UBND thành phố đã có kế hoạch sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính.

Cùng với đó, thành phố yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ; tăng cường tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để việc thực hiện hai quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô.

Mạnh Khánh - Văn Thắng (TTXVN)
Hội Báo toàn quốc 2019: Đề cao chuẩn mực văn hóa ứng xử
Hội Báo toàn quốc 2019: Đề cao chuẩn mực văn hóa ứng xử

Hội Báo toàn quốc 2019 diễn ra rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, những người làm báo và cơ quan quản lý, nhất là hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN