Hiện nay, dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có 101 thôn, bản với hơn 6.500 hộ dân và 31.000 nhân khẩu. Trong quá trình sinh sống, làm ăn, đồng bào Dao đã thống nhất đưa ra luật, tục để bảo vệ an ninh trật tự, duy trì nét văn hóa bản sắc dân tộc và giữ gìn tình đoàn kết anh em với các dân tộc khác cùng chung sống. Từ đó, Ban Sơn động được hình thành, dưới Ban ở các thôn, bản đều có các ký làng để nắm thông tin và tuyên truyền giúp Ban về những điều người Dao không được làm.
Tại lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, ông Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh: Văn hóa dân tộc Dao độc đáo có từ lâu đời. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao nói riêng, đã tạo dựng nên một nền văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc dân tộc, hòa chung vào nền văn hóa Việt Nam đa sắc màu. Qua đó, nhiều mô hình phối hợp về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao đã được hình thành như: Dạy tiếng nói, dạy chữ Nôm Dao, văn học, nghệ thuật, khôi phục nghề truyền thống, các phong tục, lễ hội, các làn điệu dân ca... Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc Dao ngày càng được nâng cao, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình.
Năm 2018, Ban Sơn động đã kết hợp với các nhóm bảo tồn tri thức tuyên truyền tới nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đề ra. Năm 2019, Ban Sơn động tiếp tục thực hiện 15 điều cấm kỵ do Ban đề ra và tiếp tục nghiên cứu văn hóa tốt đẹp của người dân tộc Dao các tỉnh.
Trong ngày hội, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian, trưng bày sách cổ, sản vật của người Dao để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa.