Phát huy vị thế của trung tâm ca trù lớn
Nếu so với thời điểm ca trù được UNESCO vinh danh, Hà Nội hiện đã vượt trội về số lượng các câu lạc bộ cũng như các đào nương, kép đàn ca trù. Đó là kết quả của sự chăm lo cho hoạt động bảo tồn, phát triển ca trù của Hà Nội, nhằm từng bước hồi sinh, đưa ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Theo Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh, từ chỗ chỉ có một vài giáo phường, câu lạc bộ hoạt động lay lắt, đến nay, Hà Nội đã có hàng chục cơ sở ca trù hoạt động thường xuyên và có nhiều nghệ nhân rất tích cực với việc truyền dạy.
Hiện tại, thành phố có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó nổi bật như: Câu lạc bộ ca trù Hà Nội (hoạt động tại đình Kim Ngân, quận Hoàn Kiếm), Thái Hà (27 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Đồng Chữ (huyện Chương Mỹ), Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức), Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên)… Đáng nói, Hà Nội có ba điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là: Bích Câu đạo quán, đền Quan Đế, đình Kim Ngân… thu hút không ít người dân và khách du lịch đến thưởng thức. Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay đang có nhiều chuyển biến tích cực với hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 200 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các câu lạc bộ còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và mới sáng tác thêm 18 làn điệu mới biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách.
Hà Nội cũng là địa phương có số lượng nghệ nhân ca trù được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân nhiều nhất cả nước, với 26 nghệ nhân được phong tặng và 1 truy tặng. Trong đó, 5 nghệ nhân ca trù được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân: Nghệ nhân Chu Chí Cang, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn. Các nghệ nhân này đều là những người dành trọn đời tâm huyết với ca trù, có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy cho lớp trẻ.
Những năm qua, Hà Nội luôn nỗ lực để hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù. Bên cạnh những cuộc hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị ca trù, ngành Văn hóa Hà Nội còn tổ chức các Liên hoan tài năng trẻ ca trù và đã có những hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động. Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố có những hỗ trợ một phần kinh phí cho các câu lạc bộ, nghệ nhân truyền dạy ca trù cho lớp trẻ. Trong những ngày lễ lớn hay tại các sự kiện văn hóa, ngành Văn hóa Hà Nội luôn đưa nghệ thuật ca trù cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác vào biểu diễn, giới thiệu tới công chúng.
Định hình chuẩn mực hát ca trù
Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại
Được đánh giá là nghệ thuật có trình độ cao, ca trù có tất cả các quy chuẩn mà hàng trăm năm nay người ta đã thừa nhận. Thủa xưa, các đào nương phải hát giọng “kim”, không được hát giọng “thổ”, bởi khi hát giọng “thổ” sẽ trùng với âm thanh cây đàn đáy. Giọng cao của các đào nương phải khác với thanh trầm của cây đàn đáy và giọng hát đó phải gieo phách lúc giòn, lúc rơi một cách tinh tế. Và còn rất nhiều những chuẩn mực khác tương tự như thế nữa. Vào cuối thế kỷ 20, Hà Nội có những nghệ nhân là đỉnh cao của ca trù như: Cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản… Họ đều là những nghệ nhân bậc thầy với những lối hát khác nhau, mỗi người một phong cách nhưng đều giữ tất cả các nguyên tắc của ca trù. Ví như, nghệ nhân Quách Thị Hồ có lối hát đổ hột rất sâu, người ta thường gọi đổ hột “con kiến” mà các nghệ nhân khác khó lòng theo được. Mỗi người, mỗi giáo phường, mỗi vùng có một phong cách hát riêng. Các thế hệ bậc thầy đi qua, nhiều người lo rằng, căn gốc của ca trù khó được giữ đúng quy chuẩn. Nhưng thực tế, sau một thời gian thăng trầm của ca trù, trước khi nhiều nghệ nhân ra đi đã kịp truyền dạy cho một số người trẻ có tâm huyết. Bởi vậy, Hà Nội vẫn còn những ca nương, kép đàn giữ được những lối hát cũ, đảm bảo các quy chuẩn nhất định.
Tại Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, nghệ nhân Phạm Thị Mùi, một ca nương nổi tiếng trước năm 1945 đã truyền dạy, đào tạo nhiều người trẻ trong làng cách hát ca trù. Hai trong số những người học ngày ấy nay đã trở thành những ca nương nổi tiếng là ca nương Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo. Cùng thế hệ với chị Mận, chị Thảo, Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê còn có kép đàn Nguyễn Văn Tuyến. Anh từng theo học nhiều bậc tiền bối chơi đàn đáy một thời như các cụ: Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Văn Hoan. Hiện anh được đánh giá là một trong những kép đàn hay nhất cả nước.
Là người tâm huyết với nghệ thuật ca trù, Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho biết, những bài hát ngày xưa, đào nương giỏi cũng phải mất 5 năm luyện mới kỳ vọng hát được các bài như “Tỳ bà hành”, hay các đào nương đoạt giải cao các kỳ thi của giáo phường mới hát được “Thiết nhạc”, nay nhiều đào nương đã học được. Có những điệu hát ngay đào nương ngày xưa còn hát khó như “Non mai hồng hạnh”, sau khi sưu tập, phục hồi điệu hát này, hiện đã có 4 - 5 đào nương hát được.
Thời gian gần đây, nhiều câu lạc bộ ca trù đã đầu tư công phu để khôi phục những thể cách, không gian diễn xướng đã bị mai một. Các câu lạc bộ kỳ công sưu tầm, khôi phục lại các thể cách ít phổ biến, trình diễn những thể cách khó như: Giáo hương, hát thơ, múa bỏ bộ, múa bài bông… để lưu truyền, giới thiệu tới công chúng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan bày tỏ trăn trở nhất hiện nay là việc truyền dạy sao cho đảm bảo các chuẩn mực, không thể tùy tiện. Ông cùng một số nhà nghiên cứu âm nhạc và những người tâm huyết với ca trù đề xuất Hà Nội tổ chức đào tạo để Thủ đô trở thành chuẩn mực về hát ca trù. Điều đáng mừng là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tán thành và khẳng định sẽ tìm nhiều giải pháp để thực hiện tốt vấn đề này.