Là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ trong cả nước, Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội cũng phải mất 3 năm mới quay lại, sau sự kiện năm 2016. Ba năm cũng là khoảng thời gian mà theo các nghệ nhân là đủ để truyền dạy, làm nên một thế hệ ca nương mới hiểu, cảm và hát được ca trù.
Trên sân khấu, các ca nương phiêu cùng lời ca, tiếng trống, tiếng đàn đáy. Phía dưới, các nghệ nhân từ Ban giám khảo khi lại nhắc nhịp lơi, phách lỗi, ngân, rung chưa đạt, có cụ “chấm” giọng ca này chỉ được 6 điểm... Nhưng có hề gì, sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi được truyền dậy nghiêm túc về ca trù phần nào làm yên tâm giới chuyên môn về khả năng tồn tại bền vững hơn của ca trù trong đời sống.
Tham gia liên hoan là 8 nhóm, câu lạc bộ ca trù mạnh về truyền nghề cho thế hệ trẻ trên địa bàn Hà Nội gồm: Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, Hoa Hựu, Lỗ Khê, Ngãi Cầu, Thái Hà, Thượng Mỗ, Xuân Đỉnh, nhóm ca trù Phú Thị và 3 thí sinh tự do. Các câu lạc bộ và nhóm ca trù mang tới Liên hoan 30 tiết mục bao gồm thi múa hát tập thể và các phần dự thi cá nhân của đào nương, kép đàn, trống chầu. Thí sinh lớn tuổi nhất là 30 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi.
Năm 2009, nghệ thuật ca trù đã trở thành di sản văn hóa của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đồng thời được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này là nỗi trăn trở của rất nhiều những nghệ nhân.
Truyền dạy và đưa ca trù vào thực hành là mấu chốt nhất nhằm đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù.
Mặc dù khẳng định các học trò nhỏ rất yêu ca trù và cũng tiếp thu rất nhanh nghệ thuật độc đáo, quý báu mà cha ông để lại, nhưng theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Tam cũng phải mất 3 năm để các học trò của bà từ cảm được ca trù đến ngâm hơi, nhả chữ thành thục.
Theo học ca trù từ 8 tuổi, “ca nương nhí” Nguyễn Thị Hà My (2008) - Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng) mong ước được theo đuổi hát ca trù lâu dài và trở thành nghệ nhân ưu tú như bà Nguyễn Thị Minh Tam, người đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò quê em.
Ca trù là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian lại vừa rất uyên bác cả trong âm nhạc lẫn lời ca. Theo các nghệ nhân, để có thể hát đúng nhịp phách, ngân, rung cho đủ đã khó nhưng để hiểu được các câu hát mà truyền cho đúng tinh thần của ca trù cần phải đào sâu suy nghĩ, đó là điều mà các ca nương trẻ chưa thể có được. Và vì thế, việc lơi phách, lạc giọng do hồi hộp cũng là điều dễ hiểu. Ca trù vì thế cho đến nay vẫn chưa thể ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Xem clip những lời ca sâu lắng của ca trù đi vào lòng dân tộc qua giọng ca nương trẻ:
Tuy vậy, việc các tỉnh, thành phố nắm giữ di sản ca trù vẫn thường xuyên tạo điều kiện để các thế hệ nghệ nhân, ca nương, kép đàn nối tiếp nhau trao truyền, thực hành và gìn giữ di sản đem đến cho chúng ta niềm hy vọng, ca trù sẽ ngày một đến gần hơn với công chúng, sớm ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ca trù còn gọi là Hát cô đầu, Hát ả đào hay Hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ thứ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tốc và trí thức rất yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.