Đình Quan Lạn - Kiến trúc độc đáo và chỗ dựa tâm linh của những ngư dân miền biển

Cụm di tích “Đình - Chùa - Miếu - Nghè” xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ-VHTT ngày 14/7/1990.

Chú thích ảnh
Cụm di tích “Đình - Chùa - Miếu - Nghè” xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Video giới thiệu kiến trúc độc đáo của đình Quan Lạn:

Chú thích ảnh
Mái đình lợp bằng ngói vẩy. Trên nóc mái có đắp trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu Mặt Trăng). 
Chú thích ảnh
Mặt tiền đình, hệ thống trấn song thông thoáng được lắp mộng kết nối với phần ngưỡng và hàng cột hiên. Lối cấu trúc này không chỉ tạo ra không gian ánh sáng chan hòa ngay cả lúc hệ thống cửa được đóng lại mà còn là lối thông gió hiệu quả. 
Chú thích ảnh
Nhìn vào tổng thể kiến trúc đình Quan Lạn, có thể nhận ra quá trình tiến triển và kết đọng giá trị theo thời gian của kiến trúc đình làng nói chung.

Đình Quan Lạn tọa lạc trên bến Đình - bến thuyền trung tâm xã đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách Cẩm Phả 35km. Đây là ngôi đình cổ trên đảo xa đất liền, song lại là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lê Anh Tông - người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn.  

Vào mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhân dân trên xã đảo Quan Lạn và các ngư dân làm nghề chài lưới, đánh bắt thủy hải sản trên biển lại về đây dâng nén tâm nhang cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, để đánh bắt được nhiều cá lớn.

Chú thích ảnh
Để chống đỡ cho phần mái, hệ thống cột gỗ được dựng lên trên nền đất trống kê bằng đá tảng, đầu cột được giằng với nhau bằng những quá giang, những kẻ và xà ngang, xà dọc vững vàng, chắc chắn. Đây là lối kết cấu tài tình bởi từ những khối gỗ riêng lẻ, chỉ cần mộng mẹo như mộng chéo, mộng đuôi cá, mộng kép đã hãm chúng lại thành một khối thống nhất vừa khít.
Chú thích ảnh
Một điều đặc biệt của kiến trúc đình Quan Lạn không thể không nói đến chính là chất liệu gỗ làm nên ngôi đình. Để chịu lực, công trình có tới 32 cột cái và 26 cột quân. Mỗi cột là một thân gỗ Mần Lái thẳng tắp, cột to nhất có chu vi lên đến 3,2 m. 
Chú thích ảnh
Trong đình còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, ngoài ra còn 4 sắc phong thời Nguyễn và 1 kiệu Bát Công được đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để trưng bày.

Ngoài ra Đình còn thờ Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển.

Ông Điệp Văn Đụng, quản nhang đình Quan Lạn cho hay, hiện tại đình còn giữ nhiều sắc phong của các thời vua Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Bảo Đại ghi rõ công đức của các bậc tiên liệt. Đây là ngôi đình được xây vào khoảng năm 1890-1900, có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống. Mái đình lợp bằng ngói vẩy. Trên nóc mái có đắp trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu Mặt Trăng).  

Chú thích ảnh
Hơn thế nữa, Mần Lái là một loại gỗ được mệnh danh là “siêu tứ thiết” ngàn năm cũng không bị rỗng “tiêu tâm” như gỗ lim. Có lẽ đây là ngôi đình duy nhất của Việt Nam sử dụng loại gỗ quý hiếm chỉ mọc trên các núi đá, áng đá treo leo, hiểm trở ngoài biển khơi. 
Chú thích ảnh
Với những gỗ này, đình Quan Lạn không chỉ xứng đáng được xếp vào nhóm các công trình gỗ truyền thống quy mô và đồ sộ của Việt Nam mà còn là công trình độc nhất vô nhị, một “báu vật quốc gia”.
Chú thích ảnh
Về điêu khắc thì đình Quan Lạn được xem là một công trình nghệ thuật công phu và sinh động. Với những khối gỗ lớn, nhỏ chồng xếp lên nhau một cách trật tự, người nghệ sĩ tạo hình tài ba thể hiện sự sáng tạo và sức công phá của những nhát đục.

Ngôi đình xây dựng lần đầu tiên vào Thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên bến Cái Làng, vốn là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Sau đó đình được di chuyển về thôn Nam. Tuy nhiên, theo dân làng vị trí tọa lạc như vậy chưa hợp phong thủy nên việc làm ăn của cả cộng đồng không tốt, các gia đình thường hay cãi cọ và xô xát, lục đục.  

Cũng theo ông Điệp Văn Đụng, quản nhang đình Quan Lạn dưới thời Nguyễn vào năm Thành Thái thứ 12 ngôi đình một lần nữa được di chuyển về xây dựng lại tại thôn Đoài như hiện nay và được đặt tên là đình Quan Lạn. Vị trí tọa lạc của ngôi đình lúc này được xem là đắc địa: Đình có hướng Tây, quay mặt ra biển. Phía trước Đình có ba ngọn núi Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn làm bức bình phong tự nhiên và phía sau lưng là năm quả núi khác làm chỗ dựa vững chắc. Đây là thế đất đẹp “Tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” không mấy khi gặp trong xây dựng các công trình tín ngưỡng từ trước tới nay.  

Chú thích ảnh
Mặc dù ngôi đình xây dựng dưới thời Hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng thể hiện cả dáng dấp con rồng thời Lý - Trần và Nguyễn.
Chú thích ảnh
Trên kèo, cột là các hình chạm rồng có mặt ở khắp mọi nơi.

Kể từ lần di chuyển cuối cùng này, dân làng làm ăn thuận buồm xuôi gió, bình an, mạnh khỏe, cuộc sống thuận hòa. Điều này cho thấy lịch sử xây dựng đình Quan Lạn - nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cộng đồng gắn bó rất mật thiết với  lịch sử  lâu đời của đảo Quan Lạn và sự biến đổi đời sống của cư dân trên xã đảo.

Ngày 14/7/1990, quần thể Đình – Chùa - Miếu - Nghè Quan Lạn được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia.

Chú thích ảnh
Năm 2011, Nghè Quan Lạn thờ Trần Khánh Dư mới được xây dựng lại, cách Đình Quan Lạn khoảng 1 km.

Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi diễn ra hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc với lễ hội đua thuyền từ ngày 10 đến 20 tháng 6 âm lịch hàng năm.

Lễ hội vừa là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần và chiến thắng của vị tướng Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương nhà Nguyên, vừa là ngày hội cầu mùa trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy của ngư dân vùng biển đảo.

Chùm ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Ấm tình quân dân ‘Tết hải đảo’ tại xã đảo Quan Lạn
Ấm tình quân dân ‘Tết hải đảo’ tại xã đảo Quan Lạn

Ngày 20/1, tại xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với chính quyền xã Quan Lạn, các nhà đồng hành tổ chức chương trình “Tết hải đảo” và trao tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc trong Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân xã Quan Lạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN