Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 5.700 bộ cồng chiêng, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh vùng Tây Nguyên; trong đó có hơn 2.000 bộ chiêng cổ có giá trị. Trong đó, đặc biệt có xã Ia O thuộc vùng biên giới của huyện Ia Grai, đã lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng nhất, với hơn 500 bộ. Nhiều gia đình đồng bào J’rai ở các buôn làng trong xã có tới 8 - 9 bộ.

 

Những giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của 2 tộc người Bahnar và J'rai đã và đang phát huy trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở địa bàn Gia Lai từ nhiều năm nay, nhất là sau khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2005.

 

Đội nghệ nhân buôn Ea Bông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) diễn tấu cồng chiêng.  Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Nạn "chảy máu" cồng chiêng đã dần được chấm dứt. Nhiều hộ gia đình dân tộc ở các buôn làng đã chủ động tìm mua các bộ chiêng cổ, chiêng cải tiến từ các nơi về. Có những hộ trước đây còn cất giấu những bộ cồng chiêng cổ trên nương rẫy, nay cũng đưa về buôn làng cùng sử dụng chung trong các dịp lễ hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng trích ngân sách đầu tư mua thêm cả trăm bộ cấp cho các buôn làng thiếu cồng chiêng. Hoạt động cồng chiêng của các tộc người J'rai - Bahnar đang ngày càng diễn ra khá sôi động khắp các buôn làng dân tộc, nhất là vào các thời điểm lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới...


Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng một cách bền vững, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, đưa hoạt động cồng chiêng thực sự gắn liền với đời sống của cộng đồng. Các cuộc liên hoan cồng chiêng hàng năm được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Ở cấp huyện thì định kỳ 2 năm/lần, còn ở cấp tỉnh thì 4 năm/lần và đã qua 7 lần tổ chức liên tục. Qua các lần liên hoan, không những số lượng bộ cồng chiêng ở các buôn làng được tăng lên, mà số người tham gia cũng nhiều hơn, nhất là các lớp trẻ. Đặc biệt, ở huyện Chư Pảh đã có bước "đột phá" mỗi năm tổ chức liên hoan 1 lần và đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nếu năm 2011, liên hoan cồng chiêng và hội thi tạc tượng diễn ra có 30 đội tham gia, thì đến năm 2012 có 39 đội với số nghệ nhân tham gia hơn 300 người. Ngoài việc tham gia liên hoan trong tỉnh, nhiều đoàn còn tham gia các lễ hội ngoài tỉnh và Trung ương đều đạt thứ hàng cao như: Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I tỉnh Hòa Bình, Liên hoan Trà Quốc tế tỉnh Thái Nguyên, Ngày hội các dân tộc Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012, Ngày hội VH - DL các dân tộc Việt Nam vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại tỉnh Phú Yên...


Cồng chiêng ở Gia Lai không chỉ là "sân chơi" cho các nghệ nhân lớn tuổi mà còn mở rộng đến các lớp trẻ trong các trường học. Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai đã từng bước đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật như: âm nhạc, múa, nhạc cụ, và là môn tự chọn đối với các lớp nghiệp vụ. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mang Yang và huyện Đăk Đoa cũng đã đưa bộ môn cồng chiêng vào dạy ngoại khóa cho học sinh.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN