Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài cuối: Phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng

TP Hồ Chí Minh là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa đặc trưng phương Nam, đây cũng là địa phương thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì vậy, để bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhiều giải pháp phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng các sân khấu biểu diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Chưa có sân khấu

Vừa thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam, chị Đỗ Thị Minh Hiệp, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi rất thích nghe Đờn ca tài tử Nam Bộ, vì vậy mỗi khi có dịp đi du lịch ở miền Nam, tôi thường chọn các tour du lịch có biểu diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ".

Cũng theo chị Minh Hiệp, cách đây khoảng 5 năm, mỗi lần chị khi đi du lịch ở TP Hồ Chí Minh  đều muốn kiếm một điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng rất khó. Hiện nay, loại hình này đã và đang phát triển rộng khắp TP Hồ Chí Minh nên chị dễ dàng đến nghe và xem biểu diễn. Điều này chứng tỏ, trong bối cảnh xã hội phát triển với nhiều loại hình giải trí hiện đại, Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn có chỗ đứng và mang những nét độc đáo riêng trong lòng khán giả.  

Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện khách du lịch trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh rất muốn thưởng thức Đờn ca tài tử Nam bộ cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải điểm du lịch nào cũng có không gian, địa điểm để biểu diễn định kỳ loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nên ngành du lịch vẫn chưa đưa vào điểm dừng chân phục vụ du khách. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh là một những tỉnh, thành phố có nhiều người hát Đờn ca tài tử nhất cả nước.

Tương tự, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đa số các địa điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh đang thiếu sân khấu để trình diễn Đờn ca tài tử, do đó du khách tự do muốn đến xem bộ môn nghệ thuật này cũng rất khó, trừ khi đúng vào các dịp liên hoan hoặc ngày hội biểu diễn… Vì vậy, trước khi phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, TP Hồ Chí Minh phải xây dựng được các sân khấu Đờn ca tài tử cố định, lịch diễn hàng tuần, hàng tháng thì ngành du lịch mới đưa vô giới thiệu, quảng bá trong tour du lịch chào bán cho du khách. 

Mới đây, để bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tại TP Hồ Chí Minh, nhiều khu du lịch, điểm đến của TP Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu kết hợp Đờn ca tài tử Nam bộ với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Nổi bật trong số này là Bảo tàng Áo dài Việt Nam, vào ngày rằm hằng tháng, nơi đây đã tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức các món ăn dân gian như: bánh quê, cháo đậu, chè Nam bộ... Sắp tới, bảo tàng này còn đưa đờn ca tài tử vào kết hợp các phiên chợ quê để tổ chức vào các dịp cuối tuần nhằm giới thiệu và kéo du khách đến với bảo tàng nhiều hơn. 

Tương tự, tại Khu du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh cũng đưa dòng nhạc dân tộc này kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của du khách. Ở quy mô nhỏ hơn như tại Tổ hợp tác xã vườn trái cây Trung An, xã Trung An, huyện Củ Chi cũng thu hút du khách đến vườn bằng loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Theo đó, trên lộ trình tham quan những vườn cây ăn trái, du khách có quãng thời gian nghỉ ngơi tại vườn, vừa thưởng thức trái cây và được nghe Đờn ca tài tử.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới cho biết, để thu hút du khách đến với khu du lịch, đơn vị đã xây dựng một không gian thưởng thức ẩm thực mang đậm chất Nam bộ với những chiếc thuyền, chiếc ghe... kết hợp biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ để du khách có thể vừa ăn uống vừa thưởng thực bộ môn nghệ thuật truyền thống. Tại các buổi biểu diễn, có không ít du khách hưởng ứng chương trình bằng cách lên sân khấu giao lưu, ca tài tử với các nhạc công...

"Nhờ các biểu diễn như trên mà giúp gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Trong đó, việc hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam bộ thông qua đờn ca tài tử cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của thành phố cũng như vùng sông nước Nam Bộ", bà Trần Thị Huyển cho biết thêm.

Cần có cơ chế bảo tồn

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, muốn bảo tồn nghệ thuận Đờn ca tài tử Nam bộ trước tiên cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo của địa phương trong việc tạo cơ chế thuận lợi cho các câu lạc bộ sinh hoạt về địa điểm, phương tiện nhạc cụ, sân bãi. Thứ hai, các đơn vị, câu lạc bộ cần tiếp tục phát huy công tác xã hội hóa để tạo nguồn thu cho câu lạc bộ sinh hoạt ổn định; các đơn vị nghệ thuật mở lớp bồi dưỡng, tập hợp lớp trẻ để các nghệ nhân truyền nghề cho lớp trẻ vào tham gia nghệ thuật truyền thống. Thứ ba, các câu lạc bộ cần đổi mới nội dung sinh hoạt, kết hợp tuyên truyền các sự kiện gắn với hơi thở cuộc sống, học tập mô hình hay để đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đi vào cuộc sống hàng ngày...

Chú thích ảnh
 Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình kết hợp 4 loại đàn: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). 

"Theo kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP Hô Chí Minh đến năm 2025 của UBND TP Hồ Chí Minh, sắp tới Sở sẽ chủ trì, phối hợp cùng đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng đề cương và biên tập thành sách về quá trình hình thành và phát triển Đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Sở cũng sẽ chủ trì xây dựng đề án phát triển một số điểm trình diễn Đờn ca tài tử trên địa bàn để phục vụ khách du lịch; đồng thời nghiên cứu và hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày hoặc bảo tàng tư nhân về nghệ thuật Đờn ca tài tử", ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết thêm. 

Đối với ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, từ trước đến nay, Sở cũng luôn quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Đờn cà tài tử Nam bộ là sản phẩm du lịch đặc trưng để  các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và đưa vào các chương trình quảng bá, giới thiệu cho các du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, một số công ty du lịch tại Sài Gòn như Saigontourist, Vietravel… thường xuyên tổ chức các tour du lịch có kết hợp nghe Đờn ca tài tử để du khách thưởng thức những câu vọng cổ ngọt ngào, đặc sắc của nghệ thuật...

“Sắp tới, muốn phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch phải xây dựng được nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật có biểu diễn Đờn ca tài tử hoặc ngay tại địa điểm du lịch có các chương trình biểu diễn phục vụ hàng tuần, hàng tháng. Đối với du khách, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh quảng bá Đờn ca tài tử đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân và du khách, từ đó thôi thúc tình yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử trong lòng người dân, có như vậy dòng nhạc dân tộc mới thực sự “sống” giữa lòng đô thị”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài 1: Đầu tư, ươm mầm cho thế hệ trẻ
Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bài 1: Đầu tư, ươm mầm cho thế hệ trẻ

Đờn ca tài tử Nam Bộ có lịch sử hơn 100 năm và từ năm 2013, được thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại TP Hồ Chí Minh, bộ môn nghệ thuật này đang được bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN