Hoạt động nghệ thuật này góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao giá trị của đờn ca tài tử gắn với nét sinh hoạt ở cộng đồng dân cư, tạo sinh khí vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, qua 3 năm (2018-2020) thực hiện đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, phong trào này đã có bước phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các huyện An Biên, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá là những địa phương có phong trào đờn ca tài tử hoạt động tốt.
Đờn ca tài tử xuất hiện với tần suất nhiều trong các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân Kiên Giang. Số câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động đờn ca tài tử ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố, trở thành sân chơi bổ ích có khả năng quy tập hầu hết các tài tử trên địa bàn để tập dượt và sinh hoạt. Lực lượng trẻ tuổi tham gia loại hình nghệ thuật này khá đông. Nhiều gia đình có truyền thống đờn ca tài tử, cha truyền con nối, tâm huyết và yêu thích đờn ca. Đây là lợi thế trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Kiên Giang.
Hàng năm, ngành Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử vào các dịp lễ, Tết phục vụ nhân dân, đồng thời kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt đờn ca tài tử với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh…
Theo đó, nhiều huyện, thành phố của tỉnh đã thành lập các Câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho những người yêu thích tại cộng đồng địa phương. Điển hình như mô hình đờn ca tài tử huyện An Biên được củng cố, kiện toàn theo hệ thống mạng lưới từ huyện đến xã và ấp. Các ấp có các nhóm đờn ca tài tử và nhiều nhóm gom lại thành lập Câu lạc bộ xã. Hàng tháng, các Câu lạc bộ sinh hoạt xoay vòng tập trung mỗi xã một lần để tạo điều kiện cho tài tử giao lưu với nhau, học tập kinh nghiệm và nâng cao chất lượng về nhịp, giọng, điệu, bài bản….
Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng được các mô hình mới, hiệu quả trong hoạt động đờn ca tài tử như: Thành lập Câu lạc bộ Ban Chủ nhiệm đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang và Đội đờn ca tài tử gồm những nghệ nhân tiêu biểu trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thiện Cẩn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Đờn ca tài tử là một hoạt động âm nhạc mang tính đặc thù của vùng đất Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những người chơi đờn ca tài tử thường chỉ để giải trí, gửi gắm tâm sự riêng hay cùng với bạn đồng điệu đờn, ca cho người mộ điệu thưởng thức. Vì vậy, họ luyện tập rất công phu, tập từng chữ nhấn, chữ chuyển, phải rao sao cho mùi, sắp chữ lời ca sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng".
Theo ông Nguyễn Thiện Cẩn, bài bản đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn là 20 bài bản tổ, gồm: 6 bài Bắc với Tây thi, Cổ bàn, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn; 3 bài Nam với Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung); 4 bài Oán với Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng; 7 bài nhạc Lễ với Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khác, Vạn giá.
"Ở Rạch Giá (Kiên Giang), khoảng năm 1935 sản sinh ra một trường phái diễn tấu bài vọng cổ theo phong cách độc nhất vô nhị, đó là "Dây đờn Rạch Giá" từng làm say mê giới đờn ca tài tử khắp vùng Tây Nam bộ một thời. Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kiên Giang", ông Nguyễn Thiện Cẩn chia sẻ.
Năm 2013, đờn ca tài tử đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Kiên Giang đã và đang tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, ngành Văn hóa tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về đờn ca tài tử, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này. Ngành Văn hóa tỉnh thực hiện kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu khoa học về đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng các Câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh; mở các lớp truyền dạy và khuyến khích sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử. Ngành Văn hóa tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động đờn ca tài tử, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.