Bảo tồn điệu múa Xòe Thái trên vùng đất biên giới Tây Ninh

Múa Xòe là điệu múa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Tây Ninh, điệu múa Xòe Thái đã được bà con dân tộc Thái gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa khi di cư đến Tây Ninh lập nghiệp tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, từ sau năm 1975 đến nay.

Nét văn hóa dân tộc

Chú thích ảnh
Những cô gái đồng bào dân tộc Thái ở mảnh đất vùng biên thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu đang tích cực giữ điệu múa Xòe Thái. Ảnh (tư liệu): Thanh Tân/TTXVN

Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu có 30 hộ, với 114 nhân khẩu người Thái di dân từ tỉnh Thanh Hóa vào sinh sống. Tuy nhiên, do số lượng người  Thái tương đối ít, sống đan xen với người Kinh dẫn đến văn hóa có dấu hiệu bị mai một theo dòng thời gian.

Trước tình hình trên, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học về đời sống, văn hóa đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Qua đợt khảo sát, Sở đã phối hợp địa phương tiến hành thành lập Đội Xòe Thái với hơn 20 thành viên là con em người dân tộc Thái tại địa phương; đồng thời mời chuyên gia từ Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam về phục dựng lại các điệu múa Thái trong sinh hoạt cộng đồng, trong đó có Xòe Thái. Sau khi phục dựng, Sở đã bàn giao lại cho địa phương để tiếp tục duy trì, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cho đến nay.

Em Hà Ngọc Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Sư Phạm Tây Ninh, là một trong những người đang tích cực giữ điệu múa Xòe của dân tộc Thái ở xã Long Phước. Trang cho biết, trước kia gia đình em ở gần Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Luông, thuộc tỉnh Thanh Hóa, nơi có núi rừng, suối, thác, hang động xen lẫn những bản làng yên bình và ruộng bậc thang. Ở đó, bà con có nhiều điệu múa khác nhau. Khoảng năm học lớp 6, lớp 7 em theo gia đình vào Tây Ninh sinh sống. Từ nhỏ, Trang vốn thích múa nên lúc nào cũng ao ước sẽ mang điệu múa này truyền cảm hứng đến nhiều người hơn.

Năm 2019, khi còn là học sinh trung học phổ thông, Trang đã được các thầy về xã Long Phước dạy cho điệu múa Xòe Thái. Từ đó, Đội múa xòe của Trang từ ban đầu chỉ có vài thành viên, đến nay đã có hơn 30 thành viên. Đội múa tham gia từ các hoạt động Đoàn cho đến các chương trình văn hóa, nghệ thuật cấp xã, huyện và cấp tỉnh.

“Em thích nhất ở các động tác múa, không quá khó nhưng tay chân phải dẻo và chịu khó tập luyện cho mềm. Trang phục thì mang đậm nét rất riêng của dân tộc Thái chúng em, với hoa văn nhiều bướm, hoa; khi múa mọi người đều cảm thấy vui vẻ, quên đi mọi sự mệt mỏi. Cảm hứng điệu múa mang lại khiến nhiều bạn xin tham gia vào đội hơn. Ngoài các bạn dân tộc Thái thì nhiều bạn là người Kinh cũng theo học và tham gia biểu diễn cùng đội”, Trang phấn khích cho biết.

Là thành viên của đội múa Xòe Thái, em Hà Thị Thùy Dung cho biết, trước đó, bản thân em là một người có tính nhút nhát. Khi tham gia tập múa, em cảm thấy được trau dồi bản thân hơn và ý nghĩa hơn khi được mang văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến  nhiều người.

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái

Chú thích ảnh
Từng động tác múa Xòe Thái đều mang sự vui tươi. Ảnh (tư liệu): Thanh Tân/TTXVN

Ông Hà Duy Khuyền (72 tuổi, người có uy tín của đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước) cho biết, từ khoảng cuối năm 1992, ông đưa gia đình từ Thanh Hóa vào Tây Ninh lập nghiệp. Những năm sau đó, nhiều hộ gia đình dân tộc Thái khác cũng rời làng quê vào Tây Ninh, dần hình thành cộng đồng dân tộc Thái ở ấp Phước Trung như ngày nay. Múa “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động gắn liền với đồng bào dân tộc Thái. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Thế nên, Xòe Thái đã trở thành hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái bao đời.

Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong thời gian tới, để tiếp sức cho công tác duy trì, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thái, cũng như điệu Xòe Thái, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở đã trình UBND tỉnh chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ tiến hành xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Thái tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu để tạo môi trường sinh hoạt cho đồng bào; đồng thời tiến hành hỗ trợ Đội Xòe Thái gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, những nét riêng, độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, tạo thêm sự phong phú và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh đã mời Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Thái, từ Thành phố Hồ Chí Minh lên xã Long Phước để truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái. Những điệu múa Xòe Thái sau đó đã được hồi sinh, bừng nở trên mảnh đất vùng biên Tây Ninh. Một số điệu múa đặc trưng khác của dân tộc Thái như múa nón, múa sạp cũng theo điệu múa Xòe Thái hồi sinh và được mang đi biểu diễn phục vụ văn nghệ tại các sự kiện văn hóa của tỉnh.

Thanh Tân (TTXVN)
Đưa hát Xẩm đến gần hơn với thế hệ trẻ
Đưa hát Xẩm đến gần hơn với thế hệ trẻ

Hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của các câu lạc bộ hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn tích cực tham gia quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Xẩm thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN