An toàn mùa lễ hội

Mùa lễ hội đầu năm 2022, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, ngành Văn hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạm dừng các lễ hội truyền thống, chỉ duy trì phần lễ ngắn gọn, không tổ chức phần hội để tránh tập trung đông người. Cùng với đó, để đáp ứng đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam, đón du khách thập phương tới các di tích, công tác phòng dịch COVID-19 đã được tăng cường tối đa.

Ban quản lý các khu di tích, đền chùa chủ động kế hoạch phòng dịch

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Công tác phòng dịch cũng được chính quyền địa phương; ban quản lý các khu di tích, đền chùa; người dân và du khách thực hiện nghiêm túc, đảm bảo văn minh, an toàn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, có trên 51.000 lượt người dân, du khách đến Yên Tử. Ảnh: TTXVN.

Tại Quảng Ninh, năm nay, toàn bộ các đền chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đều chỉ thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ đảm bảo nhỏ gọn, thành kính và trang nghiêm. Riêng phần hội không tổ chức để hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Chính quyền cơ sở nơi có các đền, chùa, cơ sở thờ tự cũng triển khai tuyên truyền, vận động, lập nhiều đoàn công tác nhắc nhở người dân và du khách nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Với quần thể chùa chiền, am tháp có kiến trúc cổ kính, trầm mặc hòa cùng cảnh sắc núi non hùng vĩ, Yên Tử luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tuy lượng khách đến không đông như những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vẫn có trên 51.000 lượt người dân, du khách đến Yên Tử tham quan, chiêm bái và lễ Phật. Trên thực tế các hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ Phật tại Yên Tử năm nay đã và đang diễn ra trật tự và quy củ. Người dân, du khách đã chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn.

Tại Hà Nội, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp khách khi di tích mở cửa trở lại từ 16/2, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” năm 2022. Đi kèm với đó là phương án riêng cho bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại khu di tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, đến thời điểm này, mọi công tác cho mở cửa đón khách đã được chuẩn bị chu đáo. Chính quyền, người dân địa phương rất mong muốn được đón du khách thập phương. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều du khách, các tăng, ni, Phật tử, là dịp thể hiện nét đẹp truyền thống đầu xuân, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa.

Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn, ông Nguyễn Bá Hiển, cho biết, Ban quản lý đã bố trí lực lượng an ninh, trật tự tại các điểm chốt với 4 kíp (mỗi kíp từ 8 - 10 người) luân phiên túc trực 24/24 giờ để nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Các điểm chốt cũng được bố trí đầy đủ phiếu khai báo y tế, mã QR, dung dịch sát khuẩn…

Tại các điểm thờ tự, cũng có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển bảo đảm giãn cách… Ngoài ra, di tích quy định vệ sinh, khử khuẩn và xử lý rác thải tại khu vực cổng vào, nơi bán vé, điểm thờ tự, bến xe, nhà vệ sinh… 3 - 4 lần/ngày, đồng thời, bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng, xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống phát sinh.

Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to, cười đùa; để rác đúng quy định. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn không gian. Các cơ sở ăn uống bố trí vách ngăn tại bàn ăn, khuyến khích khách ăn theo suất riêng, sử dụng vật dụng dùng một lần. Khu vực cáp treo thực hiện phun khử khuẩn trước mỗi lần đón khách lên; có bố trí dung dịch sát khuẩn trong ca bin, yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện…

Không lơ là chỉ đạo toàn ngành

Ngày 15/2, nhiều di tích trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu mở cửa sau một thời gian dài đóng cửa phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa trở lại đón khách tham quan, thời gian bắt đầu từ 8 giờ ngày 15/2.

Chú thích ảnh
Chủ đò thực hiện công tác chuẩn bị đón du khách tới Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: T.N.

Du khách tham quan di tích được yêu cầu: Thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế ), đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước diệt khuẩn do Trung tâm chuẩn bị cho du khách trước khi vào tham quan, quét mã QR-Code để Khai báo y tế tại cổng trước khi vào tham quan; rửa tay bằng xà phòng và nước diệt khuẩn tại nhà vệ sinh trong khu Di tích; thực hiện nghiêm khoảng cách an toàn trong tiếp xúc tại tất cả các khu vực trong Di tích.

Tương tự, công tác phòng COVID-19 cũng được thực hiện tốt tại các di tích trên địa bàn như Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn…

Trước đó, để chuẩn bị cho sự trở lại hoạt động của các di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để đạt được mức độ tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tại các di tích năm 2022.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ thông báo cấp độ dịch của thành phố để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Việc mở cửa đón tiếp khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm di tích lịch sử - văn hóa xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch. Tất cả các điểm di tích đều phải có mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích đã tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước, dung dịch rửa tay trước và sau khi ra, vào khu di tích lịch sử - văn hóa.

Đối với việc tổ chức lễ hội, sở yêu cầu tiếp tục không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính, đồng thời, chủ động có phương án hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch.

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, không chỉ để mong cầu một năm mới sung túc, bình an; đây còn là dịp để vun đắp những giá trị cốt lõi của dân tộc. Chính sự thống nhất từ công tác chỉ đạo từ các cấp, các ngành, các địa phương đến các cơ quan liên quan đã và đang góp phần đưa mùa du xuân đầu năm dần trở lại trong tâm thế tiếp tục không lơ là, mất cảnh giác, đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn trước những ảnh hưởng do dịch COVID-19.

L. Sơn/Báo Tin tức
Các di tích ở Hà Nội mở cửa đón khách trở lại
Các di tích ở Hà Nội mở cửa đón khách trở lại

Sau một thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã cho phép các di tích mở cửa trở lại, đón khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN