Các điều kiện phù hợp cho phát triển giáo dục
Một chuyên gia của Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, việc xây dựng Khu Đại học Nam Cao là một quyết định hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược của tỉnh Hà Nam. Vai trò của Khu Đại học Nam Cao là rất lớn, phần nào đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của nước ta trong giai đoạn tới. Khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Khu đại học này còn góp phần điều chỉnh mạng lưới trường đại học, cao đẳng cho vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và việc di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội đến các khu quy hoạch, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020, Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Với việc phê duyệt Đề án này, Chính phủ còn kỳ vọng sẽ xác lập mô hình tiên tiến về tổ chức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đô thị. Tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tập trung, hiện đại hóa theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặt tiền đề thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài nguyên và nguồn lực cho nhiệm vụ đó.
Mô hình phù hợp xu thế phát triển
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sau khi tìm hiểu về Khu Đại học Nam Cao đã khẳng định, đây là mô hình phù hợp xu thế phát triển trong giai đoạn mới. “Việc quy tụ nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục ở một vị trí thuận tiện như vậy sẽ tạo điều kiện tốt cho sự phát triển giáo dục trong những năm tới đây. Chính vì thế mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án mà tỉnh Hà Nam trình lên” – Ông An Việt cho biết thêm.
Quả vậy, khi Khu Đại học Nam Cao đi vào hoạt động theo đúng lộ trình đã vạch ra, nơi này sẽ trở thành một trung tâm giáo dục hiện đại, đủ mọi điều kiện để thu hút, khai thác các tiềm năng về đào tạo nhân lực ở khu vực. Thay vì đổ xô về trung tâm Thủ đô, các trường, các cơ sở giáo dục đầu tư vào Khu này sẽ cùng nhau tạo thành một nơi rất có ưu thế để tuyển sinh, thuận tiện cho việc thu hút đông đảo các đối tượng có nhu cầu đến học.
Khu vực xây dựng dự án thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (theo phân vùng kinh tế - xã hội quốc gia) gồm 11 tỉnh, thành phổ (với 7/11 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và các tỉnh còn lại là Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây còn là khu vực có vị trí thuận lợi về giao thông, nằm giữa đường Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; nối Hà Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Nam, với Nam Định ở phía Đông Nam qua quốc lộ 21A; với Thái Bình, Hưng Yên ở phía Đông Bắc qua quốc lộ 38, đường vành đai 5 Thủ đô. Khoảng cách từ vị trí dự án đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài khoảng 75km; Kết nối với hành lang kinh tế Hà Nội - TPHCM, kết nối thuận tiện với các đô thị lớn qua tuyến đường cao tốc và QL1A.
Vị trí thuận lợi cùng với một loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, Khu Đại học Nam Cao có đầy đủ tiêu chuẩn tốt nhất để phát triển thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất, góp phần phục vụ hiệu quả nhất cho sự nghiệp đổi mới đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2050.