Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, các công ty đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến các chính sách khoa học và công nghệ liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; những kết quả hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách khoa học và công nghệ; hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; sự cần thiết của việc liên kết "ba nhà" (nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp); chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách khoa học và công nghệ...
Ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuy nhiên sức lan tỏa của các chính sách này chưa cao, thủ tục hành chính rườm rà khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm giá trị cao, tháng 11/2016, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 36/QĐ-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nghiên cứu công nghệ, đổi mới và cải tiến công nghệ sẽ được hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng; hỗ trợ tư vấn công nghệ; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, các chương trình, dự án. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc tất cả các ngành sản xuất trên địa bàn Đà Nẵng, thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quản lý, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm toán năng lượng…
Theo ông Trần Văn Hoàng, đến nay, có 56 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ các chính sách của thành phố với tổng số kinh phí hơn 4 tỷ đồng, trong đó tập trung ở các hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, Sở Khoa học và công nghệ thành phố còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện triển lãm, trình diễn công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu công nghệ, quảng bá công nghệ của doanh nghiệp thông qua các sàn giao dịch.
Chia sẻ về hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ông Hà Giang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết, ở miền Trung, doanh nghiệp cơ khí rất khó phát triển bởi việc đầu tư máy móc là rất lớn, trong khi đó lợi nhuận lại không cao. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, bài toán về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ hiện đại lại càng khó khăn. Trước những trăn trở đó, Công ty đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại máy phục vụ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng lợi nhuận cho công ty. Đến nay, Công ty đã nghiên cứu, chế tạo máy cuốn ống, máy tiện khuôn ly tâm, máy tiện khuôn trụ điện, máy uốn thép hình cỡ nhỏ, máy uốn thép hình cỡ lớn...
Nêu lên thực tế khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Thực tế cho thấy, do quy mô nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ vốn đầu tư đổi mới công nghệ, cũng như chưa nhận được sự giúp đỡ thiết thực từ tín dụng ngân hàng, quỹ hỗ trợ của Nhà nước, từ các doanh nghiệp lớn khi tham gia chuỗi giá trị. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần tạo hệ thống kết nối dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như xây dựng những tiêu chí đặc thù đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần mở rộng quan hệ với doanh nghiệp trong ngành và với khu vực công; đồng thời xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn; cần phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư.
Nhấn mạnh đến tầm trọng quan của việc liên kết "ba nhà" (nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp) trong hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, ông Trần Văn Hoàng cho biết, tháng 3/2019, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Kiến trúc, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Hội doanh nhân trẻ thành phố, Hội nữ doanh nhân thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết thỏa thuận về hợp tác liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hiện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đang tập trung hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Sở ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng tại doanh nghiệp và sản phẩm được thương mại hóa. Cùng với đó, Sở liên kết với các trường đại học, hiệp hội các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp; sàn giao dịch công nghệ và phát triển thị triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra, Sở hỗ trợ hướng dẫn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp; tổ chức các buổi cà phê doanh nghiệp; hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia các sự kiện triển lãm trưng bày công nghệ./.