Với mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên được khai thác, Công ty CP Nhựa tái chế Stavian thuộc Tập đoàn Stavian đang xây dựng dự án nhà máy Nhựa tái chế Stavian nhằm phát triển hệ sinh thái tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam.
Được biết, mỗi năm nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, trong khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế…
Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương, đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể, hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững.
Luôn lấy phát triển bền vững là kim chỉ nam kể từ khi thành lập, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một bước đi thiết yếu và lâu dài trong quá trình hoạt động của Tập đoàn Stavian. Mới đây, Tập đoàn đã thành lập Công ty CP Nhựa tái chế Stavian (Stavian Recycling) xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy Nhựa tái chế Stavian, nhằm thúc đẩy tái chế an toàn nhựa và phát triển các giải pháp quản lý chất thải an toàn, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu về kinh tế - xã hội mà còn hướng tới bảo vệ môi trường.
Dự kiến, nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 3 hecta, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất châu Âu đang được nhiều tập đoàn đa quốc gia áp dụng. Bằng công nghệ hiện đại, dự án sẽ đáp ứng được chuỗi cung ứng tái chế an toàn và hiệu quả, bao gồm xây dựng hệ thống thu gom - phân loại - làm sạch - hoàn nguyên và tái chế, đảm bảo sản xuất thành phẩm hạt rPET đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế do EU đặt ra.
Hiện Stavian Recycling đã làm việc với cơ quan chức năng và khẩn trương xúc tiến thủ tục đầu tư theo quy định. Dự kiến, Nhà máy sẽ khởi công vào Quý I/2024 và đi vào hoạt động Quý III/2025 với công suất hơn 17.000 tấn/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào các giải pháp cấp thiết cho vấn đề rác thải nhựa đang gia tăng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và cải thiện đáng kể vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.