Ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, với vị trí “ngã ba sông”, cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, cầu nối các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Đông Bắc. Tỉnh Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị, với diện tích đất tự nhiên 3.533 km2, dân số trên 1,4 triệu người. Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ là chi nhánh loại I hạng I trực thuộc Agribank, được giao quản lý 09 chi nhánh loại II và 17 phòng giao dịch, số lượng cán bộ là 360 người với quy mô quản lý nguồn vốn và dư nợ trên 19.870 tỷ đồng, thị phần của Agribank Phú Thọ trên địa bàn chiếm tỷ lệ trên 17%".
- Tình hình hoạt động của Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ thời gian qua trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như thế nào thưa ông?
Ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ: Trong 7 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu và diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, giá dầu thô giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao… đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất của bà con nông dân nói chung và ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của ngân hàng nói riêng.
Với sứ mệnh phục vụ “Tam nông”, khẳng định vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tích cực cùng các cấp, các ngành và nhân dân chung tay phòng chống dịch, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhằm khắc phục khó khăn, duy trì và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời tích cực đầu tư vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Phú Thọ đạt 9.812 tỷ đồng, với gần 60.000 khách hàng vay còn dư nợ. Trong đó: dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 6.868 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, với số khách hàng vay còn dư nợ là 42.221 khách hàng, chiếm tỷ trọng 70,4% số khách hàng vay còn dư nợ.
Dư nợ cho vay Nông nghiệp nông thôn theo NĐ 55, 116 đạt 8.528 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, với hơn 58.000 khách hàng vay ở khu vực nông thôn còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 93% tổng số khách hàng vay. Dư nợ cho vay không có bảo đảm bằng tài sản là 2.276 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,7% tổng dư nợ cho vay theo NĐ 55, 116 với 31.827 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 55% tổng số khách hàng vay Nông nghiệp nông thôn theo NĐ 55, 116. Dư nợ cho vay đời sống tiêu dùng nhằm góp phần phòng chống, đẩy lùi tín dụng đen là 12,5 tỷ đồng, với số khách hàng vay còn dư nợ là 1.096 khách hàng.
- Được biết Tổ vay vốn được thành lập đến từng khu dân cư, xin ông cho biết kết quả cho vay qua tổ vay vốn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ ?
Ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ: Để có được quy mô tín dụng lớn, ổn định như hiện nay, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Agribank, Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ còn nhận được sự đồng thuận giúp đỡ, phối hợp và ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, Ngân hàng Nhà nước, các Sở, Ngành, các Hội, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là sự phối hợp có hiệu quả của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương tại các xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, Agribank Phú Thọ đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp công tác nhằm triển khai có hiệu quả công tác tín dụng trên địa bàn, trong đó có giải pháp tổ chức thực hiện mô hình cho vay đối với cá nhân – hộ gia đình thông qua Tổ vay vốn được thành lập đến từng khu dân cư do Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn ra quyết định thành lập và quản lý, chỉ đạo trực tiếp.
Theo mô hình này, Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ báo cáo và đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp thành lập Ban chỉ đạo vay vốn tại các huyện, thị và 137/137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn được phân công quản lý. Thành phần Ban chỉ đạo vay vốn do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn làm trưởng ban, các thành viên còn lại là trưởng các Hội đoàn thể, Cán bộ địa chính, Cán bộ tư pháp và lãnh đạo Công an xã/phường; thành phần Tổ vay vốn bao gồm Trưởng khu dân cư (làm Tổ trưởng) và các thành viên là cá nhân/hộ gia đình cư trú tại khu dân cư.
Thông qua hệ thống Ban chỉ đạo và Tổ vay vốn, Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Agribank trong việc cho vay vốn phục vụ phát triển Nông nghiệp nông thôn; đồng thời tăng cường phổ biến, hướng dẫn kỹ năng quản lý, sử dụng vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, giúp khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả, gắn với việc tuyên truyền, vận động sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank, từng bước thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động của Agribank trên địa bàn.
Được sự ủng hộ của Chính quyền địa phương, việc phát triển cho vay cá nhân, hộ gia đình thông qua Tổ tại Phú Thọ đã góp phần giảm tải áp lực công việc đối với cán bộ tín dụng, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay vốn, tiết kiệm thời gian tiền bạc cho khách hàng vay, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình tiếp cận dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Agribank trên thị trường Nông nghiệp nông thôn.
Đến 30/6/2020, cho vay qua tổ của Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ là 1.383 tổ/1.478 khu dân cư thuộc địa bàn Agribank chi nhánh tỉnh Phú Thọ quản lý, đạt 93,6%; số thành viên tổ là 48.600 thành viên, chiếm 83% tổng số khách hàng vay là cá nhân, hộ gia đình.
Dư nợ cho vay qua Tổ đến 30/6/2020 là 7.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Tỷ lệ lãi thực thu của Tổ vay vốn đến cuối quý đạt 93% tổng số lãi phải thu. Tỷ lệ nợ xấu 0,6%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng của Agribank Phú Thọ đã góp phần to lớn vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của địa phương, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từng bước làm thay đổi sâu sắc và toàn diện bộ mặt kinh tế của nông thôn Phú Thọ theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều hộ gia đình, kể cả các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Agribank theo cơ chế ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp vốn chịu chi phối bởi tính thời vụ và tình trạng “nông nhàn”. Nguồn vốn Agribank đầu tư cho “Tam nông” đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và cho vay nặng lãi.
- Xin cám ơn ông!