Ứng dụng cây năng lượng trong phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường

Từ đầu năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) phối hợp với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Viện độc lập về lĩnh vực môi trường (UFU) - Cộng hòa liên bang Đức đã triển khai dự án “Ứng dụng cây năng lượng trong phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường” tại khu vực khai thác khoáng sản mỏ đa kim Núi Pháo.

Các nhà khoa học giới thiệu về cây cao lương cho người dân ở xã Tân Linh, Đại Từ.

Dự án nhằm mở rộng diện tích trồng cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính tại các khu vực ảnh hưởng bởi khai thác khoáng sản, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng mới phục vụ đời sống cho người dân địa phương như: khí sinh học, nhiên liệu sinh học... và tạo nguồn thức ăn chủ động cho gia súc trong điều kiện đất canh tác có hạn và bị thu hẹp.

Qua gần 1 năm triển khai khảo nghiệm trồng keo lai Australia, cỏ VA06 (giống cỏ lai giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ) và cây cao lương trên diện tích 1 ha tại khu vực mỏ Núi Pháo đã cho nhiều kết quả khả quan.

Đối với cây cao lương, trong khoảng 7 tháng cho thu hoạch được một lứa, sản lượng đạt xấp xỉ 6,9 tấn/1.080 m2 bao gồm cả thân, lá và bông hạt (tương đương khoảng 69 tấn/ha).

Theo các nhà khoa học, cây cao lương có ứng dụng thực tiễn rất lớn do được chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, bò thịt; thân cây làm đường, chế tạo xăng sinh học và có thể sử dụng để chế biến viên nén sinh học (dùng trong đốt lò hơi, nhiệt điện); nếu trồng diện tích lớn có thể chế biến thành cồn etanol.

Đối với diện tích cỏ VA06, sau khi cho thu hoạch lứa đầu tiên, sản lượng ước tính đạt khoảng 40 tấn/4000 m2 (tương đương 90 tấn/ha). Đây là giống cỏ dùng làm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng kháng sinh, hóa dược, vi sinh vật cao, thích hợp với việc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò thịt.

Cây cao lương sinh trưởng và phát triển tốt trong khu vực mỏ Núi Pháo.

Tại diện tích trồng keo lai Australia - giống keo lai thế hệ F1 do trường Đại học nông lâm Thái Nguyên trực tiếp ươm tạo giống, khả năng sinh trưởng cũng như chất lượng gỗ tốt hơn so với giống keo lai được bán tại các nhà vườn tư nhân, có giá trị rất lớn về cải thiện môi trường và kinh tế, chủ yếu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, đồ gỗ, dùng trong xây dựng…

Theo đánh giá của Viện kỹ thuật môi trường và sinh thái học - Cộng hòa liên bang Đức cũng như các nhà khoa học của Trường đại học nông lâm Thái Nguyên: Việc trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất khai thác mỏ thành công mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường sinh thái khu vực sau khi mỏ đa kim Núi Pháo hoàn thành khai thác và giúp người dân địa phương có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Sau kết quả khảo nghiệm khả quan bước đầu tại khu vực mỏ Núi Pháo, các đơn vị thực hiện Dự án sẽ nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn ảnh hưởng bởi Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ gồm: Cát Nê, Tân Linh, Phục Linh, Hà Thượng và thị trấn Hùng Sơn.
                             

Hoàng Thảo Nguyên
Núi Pháo Mining-  giá trị doanh nghiệp từ góc nhìn trách nhiệm xã hội
Núi Pháo Mining- giá trị doanh nghiệp từ góc nhìn trách nhiệm xã hội

Chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng có vai trò quan trọng đối với giá trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN