Trong tiết trời mùa thu .tháng Tám, chúng tôi về thăm công trường xây dựng dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), xây dựng trên tổng diện tích 670ha, dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo được xem như Dự án mỏ đa kim lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Các nhà thầu xây lắp đang khẩn trương thi công, lắp đặt Nhà máy chế biến quặng đa kim Núi Pháo. |
Qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, đến năm 2010, Tập đoàn Masan tiếp quản và tái khởi động. Chỉ trong một thời gian ngắn, dự án đã triển khai xây dựng 2 khu tái định cư mới Nam Sông Công và Hùng Sơn 3 với tổng diện tích hàng chục ha, di chuyển hơn 700 hộ dân đến nơi ở mới, tuyển dụng trên 550 lao động là người bị ảnh hưởng của dự án; đào tạo nghề cho 230 người là con em của các hộ trong vùng ảnh hưởng bởi dự án, thực hiện tổng giá trị đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 1.200 tỷ đồng... Dọc quốc lộ 37, đoạn qua xã Hà Thượng và Hùng Sơn diện mạo của một tổ hợp công nghiệp mới đang dần hình thành. Hàng nghìn công nhân xây dựng cùng những phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất đang vận hành tấp tập với một mục tiêu: Hoàn thành dự án Núi Pháo đúng tiến độ, đảm bảo đến cuối quý I/2013 nhà máy bắt đầu chạy thử nghiệm.
Ông Craig Bradshaw – Giám đốc điều hành Nuiphao Mining cho biết: Khi đi vào hoạt động sản xuất, mỏ Núi Pháo sẽ là mỏ lớn thứ hai thế giới về vonfram, flouspas và là mỏ lớn nhất thế giới về bismus. Do vậy dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo không chỉ là dự án điểm về khai thác, chế biến khoáng sản ở Việt Nam mà còn là dự án mang tầm quốc tế. Chính vì vậy, công nghệ tuyển khoáng mà Nuiphao Mining áp dụng tại dự án này đều là công nghệ hàng đầu thế giới được lựa chọn từ Mỹ, Ôxtrâylia, Nhật, châu Âu... Do đặc thù của ngành khai thác, chế biến khoáng sản, ngay từ ban đầu, Nuiphao Mining đã thực hiện rất tốt các quy định về an toàn xây dựng mỏ, đánh giá tác động môi trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Masan.
Các chỉ số an toàn do công ty thực hiện đều đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác mỏ. Hiện tiến độ xây dựng của dự án được các nhà thầu triển khai rất tốt, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn lao động, chúng tôi phấn đấu để trở thành mô hình điểm về khai thác, chế biến khoáng sản tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Một điều khá thuận lợi khi triển khai dự án đó là môi trường làm việc ở Thái Nguyên rất tốt. Đội ngũ người lao động kiên nhẫn, chịu khó học hỏi, lắng nghe sự hướng dẫn của các chuyên gia nên chúng tôi tin tưởng rằng tiến độ xây dựng nhà máy sẽ đảm bảo như trong kế hoạch đề ra...”.
Hiện tại công ty đã tuyển 230 con em của các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đi đào tạo các kiến thức, kỹ năng về tuyển khoáng, cơ khí… Các chương trình đào tạo đều được xem xét phù hợp với các yêu cầu công việc của nhà máy, khi nhà máy đi vào hoạt động đây sẽ là đội ngũ công nhân chủ lực của nhà máy.
Các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực thi công. |
Dẫn chúng tôi tham quan “đại công trường Núi Pháo” với hàng chục nhà thầu đang đào, san gạt đất, đổ bê tông, lắp đặt khung thép, xây dựng trạm biến áp, xử lý nước… thực sự ấn tượng nhất là khu vực nhà máy chế biến đang được dựng lên như: Khu nghiền thô, khu nghiền bi, khu tuyển nổi, tuyển trọng lực… Được biết trong tháng 9 này sẽ bắt đầu triển khai các công việc lắp đặt hệ thống đường điện khu nhà máy...
Hiện có khoảng 1.300 lao động đang làm việc trên công trường dự án nhưng tất cả đều quy củ, trật tự, ngăn nắp, dự kiến đến cuối năm nay con số này sẽ tăng lên khoảng 2.500 lao động. Hiện 3 đập chứa đuôi quặng đang được hoàn thiện và 2 đập còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tại khu vực nhà máy chế biến, nhà thầu đã tiến hành đổ bê tông, công việc đạt trên 16.000 m3. Khu vực xưởng sửa chữa, kho hóa chất của nhà máy đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. Đến thời điểm này, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến quặng đã hoàn thành 45%. Với tiến độ hiện tại, dự kiến đến cuối quý I/2013 toàn bộ công việc xây lắp nhà máy sẽ hoàn thành...
Anh Đinh Công Sinh - Chỉ huy trưởng của Công ty cổ phần Thịnh Cường (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: "Doanh nghiệp tôi đã từng thi công một số công trình lớn mang tầm quốc gia như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Cửa Đạt... nhưng khi thực hiện thi công tại Núi Pháo, bước đầu đội ngũ công nhân gặp không ít bỡ ngỡ bởi cách làm việc phải đảm bảo chất lượng, khối lượng công việc nhưng cũng phải đảm bảo an toàn lao động lên hàng đầu. Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ đội ngũ lao động của doanh nghiệp đã thích ứng với cách làm việc hiện đại, đảm bảo được các yêu cầu từ phía chủ đầu tư đưa ra.
Hiện Công ty của tôi có 150 người đang lao động trực tiếp trên công trường xây dựng mỏ Núi Pháo. Để đảm bảo tiến độ xây dựng, ngoài đảm bảo số nhân công, Công ty Thịnh Cường còn huy động 8 máy xúc, 3 máy ủi, 40 xe tải... hoạt động liên tục trên công trường. Tuy mới bắt đầu công việc thi công từ cuối năm ngoái nhưng đến nay, công ty đã hoàn thành việc bóc tách, san gạt trên 1 triệu m3 đất đá...
Theo ghi nhận của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, chưa có dự án lớn nào trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc, bài bản như dự án của Nuiphao Mining. Đây được coi là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Khi chính thức đi vào hoạt động, Nuiphao Mining sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm chính gồm: Tinh quặng Volfram, Fluorit, Bismut và tinh quặng đồng. Dự kiến, công suất khai thác của Nuiphao Mining đạt trung bình 3,5 triệu tấn quặng nguyên khai/năm và khi tiến hành sản xuất doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động địa phương, đóng góp đáng kể vào việc thu ngân sách hàng năm của tỉnh.
Tuy vậy, trong khi các hoạt động trên công trường đang được triển khai khẩn trương để đưa nhà máy đi vào hoạt động theo kế hoạch thì một số hộ dân mặc dù đã nhận đầy đủ tiền bồi thường GPMB, tiền thưởng theo quy định nhưng không bàn giao mặt bằng cho dự án đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ các hoạt động xây dựng của dự án… Dự án mong đợi tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể và sự hợp tác hơn nữa của người dân địa phương để dự án đi vào hoạt động sản xuất theo đúng kế hoạch.
Với những nỗ lực cụ thể để đưa nguồn tài nguyên quý giá của đất nước trở thành động lực kinh tế thực sự, Nuiphao Mining đang tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng quê hương cách mạng Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp của cả vùng trung du miền núi phía Bắc như vị thế vốn có trước đây.
Bài và ảnh: Hoàng Nguyên