Công điện của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hàng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Từ ngày 5/7 đến 7/7, Hà Nội đã ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc trên địa bàn các quận, huyện: Mỹ Đức (7 ca), Đông Anh (6 ca), Hoàng Mai (1 ca), Đống Đa (1 ca), Mê Linh (1 ca) trong đó có những trường hợp là công nhân tại Khu công nghiệp, người dân trở về Hà Nội có yếu tố dịch tễ liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang… Lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh quay trở lại cộng đồng là rất cao.
Để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch. Từ 18 giờ ngày 7/7 áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.
Trong đó, người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế). Tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác,… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đối với những đối tượng trên sẽ được điều chỉnh khi có hướng dẫn mới từ Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế.
Yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của trung ương và thành phố bao gồm không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng. Các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Để tăng cường kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải từ các vùng dịch về thành phố, Hà Nội sẽ hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch (danh sách vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế) về Hà Nội và ngược lại.
Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch; tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chủ động điều chỉnh Phương án đáp ứng điều trị, xét nghiệm trong tình huống dịch bùng phát lan rộng (nâng công suất xét nghiệm và giường bệnh điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên mức 3.000 ca, mức 5.000 ca).
Công an Thành phố cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận huyện thị xã tăng cường tổ chức các chốt trực cố định tại các bến tàu, bến xe liên tỉnh, các chốt trực lưu động tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thủ đô để kiểm soát toàn bộ lưu lượng các phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố khác, đặc biệt các vùng, tỉnh/thành phố đang có dịch nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh.