Diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Tình hình dịch bệnh gia tăng rất nhanh, đặc biệt trong tháng 7 và đầu tháng 8.
Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; trong đó, gần 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, hơn 130 người mắc sốt xuất huyết cảnh báo.
Khoa Hồi sức – Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cũng đã tiếp nhận 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. So với cùng kỳ năm trước, số ca nhập viện ít hơn nhưng các ca đều trong tình trạng nặng, sốc và tái sốc.
Bệnh nhi Nguyễn Đăng Quân (6 tuổi, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị sốt xuất huyết nhập viện ngày thứ 4. Bệnh nhi có biểu hiện sốc, tái sốc, hiện đang suy hô hấp nặng, có dấu hiệu rối loạn đông máu phải truyền tiểu cầu, huyết tương và truyền máu.
Nhìn con trai bị bệnh nặng, sốt mê man, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, mẹ bệnh nhi rất lo lắng. Chị cho biết, quanh khu vực nhà chị sinh sống rất nhiều muỗi, có nhiều trường hợp người dân bị bệnh sốt xuất huyết.
Tương tự, bệnh nhi Phạm Hoàng Minh Khang (8 tuổi, tại xã Cư ÊBur, thành phố Buôn Ma Thuột) cũng bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm mạnh, nằm trong mức độ cảnh báo nguy hiểm phải truyền nước liên tục. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Theo bác sỹ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, những ca bệnh vào Khoa chủ yếu là sốt xuất huyết nặng, sốc, tái sốc. Hiện, Khoa tiếp nhận 9 ca nặng, nhưng có tới 5 ca sốc, tái sốc.
Bác sỹ Tuấn thông tin: “Mùa mưa sắp tới và tình hình mắc bệnh phức tạp, mong rằng các bậc phụ huynh cần tăng cường chăm sóc trẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu sốt cao, co giật, bỏ ăn, hoặc có điều bất thường thì nên đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tư vấn, tránh các trường hợp bệnh chuyển biến nặng, xoay trở không kịp thời”.
Kiểm soát các "điểm nóng"
Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sốt xuất huyết đang gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch. Đây là điều đáng báo động. Địa bàn ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất là thành phố Buôn Ma Thuột; sau đó là các huyện Krông Pắc, Ea Kar và Cư M’Gar. Đây là 4 địa bàn “nóng” về sốt xuất huyết. Đặc biệt, tuần vừa qua, tại huyện Cư M’Gar, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng rất nhanh, các ổ dịch nhỏ lây lan, ghi nhận ở nhiều nơi.
Theo ông Hoàng Hải Phúc, nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết gia tăng đột biến là do thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên vào mùa mưa. Mưa liên tục trong tháng Bảy, muỗi sinh sôi, phát triển mạnh dẫn đến tình hình mắc bệnh tăng cao. Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian này đang là cao điểm thu hoạch sầu riêng nên có sự giao lưu giữa các vùng. Người dân các vùng, miền đổ xô về giao thương hàng hóa, kéo theo dịch bệnh tăng nếu không kiểm soát được. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh thêm phức tạp.
Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xử lý vệ sinh môi trường tại các ổ dịch; đồng thời, chỉ đạo cả hệ thống cùng người dân vào cuộc nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt cần tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ và thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, tự bảo vệ mình, khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị.
Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như: Tham mưu Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo các huyện tăng cường công tác phòng dịch; tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch…
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần kiểm tra các điểm "nóng" về dịch bệnh để chỉ đạo xử lý. UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp và yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo chống dịch của tỉnh vào cuộc thì công tác phòng, chống sốt xuất huyết cũng như các dịch bệnh khác… sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả”.