Lý giải về việc số ca mắc vẫn tăng ở nhiều địa phương dù tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 khá cao, nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đều có ý kiến cho rằng: Khi cả nước điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch theo tình hình mới, cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường thì việc giao lưu qua lại giữa các địa phương sẽ tăng lên, người dân cũng tăng tiếp xúc trong cộng đồng. Trong khi đó, nhiều người dân đi từ vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao, bùng phát dịch mạnh như ở các tỉnh, thành phố phía Nam về các địa phương khác và trở thành nguồn lây cho địa phương, trong đó có cả những địa phương từ trước tới giờ chưa từng xuất hiện ca bệnh nào. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: "Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca tăng nặng và tử vong, thực hiện bình thường hóa một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả".
Điều đáng lưu ý là trong số những người mắc bệnh có khá nhiều ca không triệu chứng nên dịch có thể âm thầm lây lan rất khó nhận biết, gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là ở những vùng có tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh còn thấp. Ngay cả với vùng đã tiêm đầy đủ vaccine, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Vaccine phòng COVID-19 không phải là lá chắn tuyệt đối, người dân dù đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn cần tuân thủ nghiêm túc biện pháp phòng bệnh.
Trên rất nhiều phương tiện truyền thông, các chuyên gia y tế đã nêu rõ: Những người đã tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất nhẹ, ít có biểu hiện trở nặng. Những người tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa nên có thể nói giá trị lớn nhất của vaccine COVID-19 chính là ở điểm này. Những trường hợp đã tiêm vaccine mà khi mắc bệnh chuyển nặng thì đa số là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc người mới tiêm 1 mũi vaccine.
Tuy vậy, những người tiêm vaccine rồi khi mắc bệnh thì vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em. Mặt khác, khi đã tiêm chủng đủ liều vaccine COVID-19 thì khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24/11 đã nêu rõ: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là trong phòng dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác. Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. WHO lo ngại về việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vaccine và người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa. Tổng giám đốc WHO khẳng định vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm…
Cũng vì nhiều người "ỷ lại" vào việc đã tiêm vaccine COVID-19 mà bộc lộ sự chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng tránh cũng khiến cho nguy cơ lây nhiễm gia tăng. Do đó, Bộ Y tế đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch để giữ gìn cho bản thân, gia đình, cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cụ thể là thực hiện nghiêm chỉnh thông điệp 5K (, thực hiện tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, tiếp xúc thời gian ngắn là đã giảm nguy cơ lây lan cho bản thân và cộng đồng.
Tại cuộc họp ngày 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP và Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; ứng với cấp độ dịch nào thì có biện pháp hành chính, y tế, an sinh xã hội... phù hợp với cấp độ đó; thực hiện nghiêm công thức phòng chống dịch "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu hết năm 2021 hoàn thành tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em và tiêm vaccine mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên…
Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal, tính đến 12 giờ ngày 25/11, số mũi vaccine phòng COVID-19 đã thực hiện trên toàn quốc là 114.694.568 liều.