Các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và nhà sản xuất vaccine mỗi năm đều họp 2 lần nhằm quyết định chủng cúm mùa nào sẽ được chọn để sản xuất vaccine cho mùa Đông tới. Đây cũng là cơ hội để thảo luận về nguy cơ virus từ động vật có thể lây sang người và gây ra đại dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia cúm toàn cầu, tại cuộc họp lần này, chủ đề chính xoay quanh chủng 2.3.4.4b của virus H5N1 và tình hình khu vực Bắc Bán cầu. Dự kiến những thông tin về thành phần vaccine cũng như rủi ro lây lan sẽ được công bố trong họp báo ngày 24/2.
Bà Sylvie Briand, Giám đốc quản lý công tác ứng phó dịch bệnh của WHO, cho biết mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với COVID-19, song mức độ chuẩn bị hiện nay vẫn chưa đủ. Theo bà, thế giới cần thực sự tiếp tục nỗ lực để đối phó với đại dịch cúm.
Các chuyên gia đã theo dõi chủng 2.3.4.4b kể từ khi xuất hiện vào năm 2020, song những báo cáo về động vật có vú (hải cẩu và gấu) chết hàng loạt, nguy cơ lây nhiễm giữa các loài động vật có vú tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha đã làm dấy lên quan ngại. Hiện có rất ít trường hợp mắc bệnh ở người và WHO đánh giá mối đe dọa đối với con người là thấp. Mặc dù vậy, bà Nicola Lewis, Giám đốc Trung tâm Hợp tác về cúm của WHO tại Viện Crick (Anh) cảnh báo “không nên chủ quan”.
Các phòng thí nghiệm của WHO đã nghiên cứu 2 chủng virus cúm có liên quan mật thiết với virus H5N1 đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu sẽ được các nhà sản xuất vaccine sử dụng để tạo ra vaccine cho người nếu cần. Một trong 2 chủng đã được đưa ra đánh giá trong sau cuộc họp về cúm trước đó của WHO vào tháng 9/2022. Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới hiện đang kiểm tra xem cả 2 chủng này có khớp với chủng đang lây lan giữa các loài động vật không, qua đó xác định xem có cần điều chỉnh vaccine thêm không.
Một số công ty sản xuất vaccine cúm mùa cũng có thể sản xuất vaccine để phòng ngừa đại dịch cúm. Hai công ty dược phẩm GSK và CSL Seqirus đã làm việc với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến Mỹ (BARDA) để thử nghiệm các mũi vaccine dựa trên một trong những chủng có liên quan.
Theo bà Briand, việc chuẩn bị sẵn nghiên cứu đối với các chủng này có thể giúp rút ngắn hai tháng thời gian phát triển vaccine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc nhanh chóng bào chế đủ vaccine trong tình huống xảy ra đại dịch vẫn là một thách thức.